Ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới tại Nga vẫn chia rẽ về hành động quân sự tại Syria.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Samantha Power cáo buộc Nga đã mang Hội đồng Bảo an (HĐBA) ra làm con tin bằng việc liên tục ngăn chặn các nghị quyết. Bà Power cho rằng HĐBA không còn là “con đường khả dĩ” để truy trách nhiệm cho chính phủ Syria về các tội ác chiến tranh.
Lãnh đạo G20 tại cuộc gặp. Ảnh: Internet |
Washington cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad đã sát hại 1.429 người trong vụ tấn công bằng chất độc tại ngoại ô Damascus hôm 21/8. Anh cũng cho hay các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Porton Down đã tìm thấy dấu vết của chất sarin trên các mẫu quần áo của nạn nhân và trong đất ở hiện trường. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đổ trách nhiệm cho phe nổi dậy.
Trong số các quốc gia hiện diện tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở St Petersburg, chỉ có Mỹ và Pháp là thuận sử dụng vũ lực ở Syria. Nga và Trung Quốc cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào không được LHQ cho phép đều là bất hợp pháp. Theo các nguồn tin, tổng thống Mỹ Barack Obama muốn thông qua hội nghị G20 để tạo dựng liên minh quốc tế hậu thuẫn hành động tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Syria.
Thế nhưng, thủ tướng Ý cho hay trên mạng Twitter rằng “khối G20 vừa xong bữa ăn tối làm việc, và tại đó các bên xác nhận bất đồng về chủ đề Syria”. Theo phóng viên BBC, trong khối G20, nhóm nước phản đối can thiệp quân sự vào Syria dường như đã vượt qua số người ủng hộ.
Tuy nhiên, quan điểm của các lãnh đạo G20 về hành động của Mỹ không phải là lo ngại chính của ông Obama mà các khó khăn thực sự của ông đang nằm ở trong nước. Ông Obama cũng đã hủy chuyến đi tới California trong ngày 9/9 tới để tranh thủ vận động hành lang Hạ viện, vốn sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu về vấn đề Syria vào tuần tới.
Một cuộc trưng cầu ý kiến của BBC và ABC News thực hiện cho thấy, hơn 1/3 số thành viên Hạ viện Mỹ còn chưa quyết định có ủng hộ hành động quân sự đối với Syria hay không. Phần đông số người đã có quyết định nói rằng họ sẽ bỏ phiếu chống.
Mở rộng mục tiêu
Các nguồn tin cho hay, tổng thống Obama đã chỉ đạo Lầu Năm Góc thực hiện một danh sách mở rộng các mục tiêu tấn công tiềm năng tại Syria. Động thái này được đưa ra sau khi các thông tin tình báo của Mỹ cho hay, chính quyền của ông al-Assad đã di chuyển binh lính và thiết bị đã được sử dụng để phát tán vũ khí hóa học.
Giới chức Mỹ cho biết, ông Obama hiện quyết tâm chú ý hơn vào mục tiêu “ngăn chặn và làm giảm” khả năng sử dụng vũ khí hóa học của ông Assad. Điều này đồng nghĩa với việc 50 mục tiêu chính đã được đưa vào danh sách mục tiêu tấn công tiềm năng ban đầu do Mỹ và Pháp vạch ra sẽ được mở rộng thêm.
Chính quyền của ông Obama cũng lần đầu tiên nói về khả năng sử dụng các máy bay Mỹ và Pháp để tấn công các mục tiêu cụ thể, ngoài tên lửa hành trình Tomahawk. Các cuộc tấn công này sẽ không nhắm vào các kho vũ khí hóa học vì chúng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà sẽ nhằm vào các đơn vị quân đội bảo quản, chuẩn bị và tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào quân nổi dậy ở Syria cũng như các trụ sở giám sát các chiến dịch tấn công, các tên lửa và pháo sử dụng để phát tán vũ khí hóa học.
Ngoài ra, tướng Martin E. Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân – cho hay, các mục tiêu khác có thể bao gồm những cơ sở mà Syria dùng để bảo vệ vũ khí hóa học như phòng không, tên lửa tầm xa và rocket.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)