Tỷ phú ngành điện tử Đài Loan, ông Terry Gou, nhà sáng lập và chủ tịch của tập đoàn Hồng Hải, công ty mẹ của Foxconn đã phải lao tới Thâm Quyến vào ngày 25/5 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng từ một chuỗi vụ tự tử liên tiếp của công nhân.
Gia đình công nhân tự tử tại nhà máy Foxconn đau buồn tiễn đưa con |
Ông Gou đã mời giới truyền thông tham dự một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 26/5 tại nhà máy Long Hoa thuộc Foxconn - chuyên sản xuất linh kiện cho Apple - để giúp họ hiểu rõ hơn tình hình. Ông chủ Hồng Hải đã buộc phải đích thân ra tay dàn xếp mọi việc sau khi một nhân viên thứ 10 tại nhà máy này chết vì rơi xuống từ một tòa nhà vào sáng này 25/5. Cảnh sát Thâm Quyến đã xác nhận cái chết này nhưng cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục điều tra liệu đây có phải là một vụ tự tử hay không. Kể từ đầu năm trở lại đây, 9 người đã chết trong hàng loạt các vụ tai nạn trong công nhân, ngoài ra còn có hai người cũng tìm cách tự tử nhưng không thành công. Foxconn hiện là nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Hãng này đang sản xuất các thiết bị cho nhiều thương hiệu điện tử hàng đầu, như Apple, Motorola. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động ở Hong Kong lên tiếng đe dọa sẽ khởi động một chiến dịch nhằm tẩy chay chiếc điện thoại iPhone của Apple, một trong nhiều thiết bị điện tử hiện đang được 300.000 công nhân tại nhà máy này sản xuất. Những công nhân này chỉ nhận được mức lương tối thiểu và thường xuyên phải làm việc nặng thêm giờ.
Cuộc sống cơ cực của những công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn |
Tuy nhiên, các chuyên gia về tâm thần học cho rằng những vụ tự tử này không thể được giải thích như là một hệ quả đơn giản của những điều kiện lao động tại Foxconn. “Ít nhất, đây là một công ty và họ đang làm một vài việc về điều đó” Michael Phillips, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phòng chống tự tử tại Trung tâm Sức khỏe tâm thần Thượng Hải và là giáo sư tại trường Y khoa trực thuộc Đại học Emory. Ông Phillips chỉ rõ những động thái của Foxconn là nhằm thiết lập những hệ thống cảnh báo sớm và hướng dẫn mới. Ông cũng cho biết các vụ tự tử đã xảy ra có một yếu tố bắt chước mạnh mẽ. Tuy nhiên các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động kêu gọi hành động mang tính quyết định hơn từ phía Foxconn “Tiền công của những công nhân này cần phải được nâng lên mức chấp nhận được để họ không cảm thấy họ cần phải làm thêm giờ nữa”, Geoffrey Crothall, phát ngôn viên tập san Lao động Trung Quốc, có trụ sở ở Hong Kong, khẳng định “Điều đó sẽ cho phép họ có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội khác, thư giãn và giải quyết bất cứ vấn đề gì mà họ gặp phải”. Betty Chan thuộc tổ chức Students & Scholars Against Corporate Misbehaviour cho biết nhóm của cô đã liên lạc với các nhà hoạt động tại châu Âu trong một chiến dịch tẩy chay có quy mô quốc tế đối với chiếc điện thoại iPhone từ tháng tới. Các công nhân nữ tại một dây chuyền sản xuất ở nhà máy Foxconn tiết lộ với tờ Financial Times rằng họ kiếm được 263 đến 273 USD/tháng với 12 tiếng làm việc mỗi ngày và có hai tiếng nghỉ để ăn trưa.
Công nhân biểu tình tẩy chay điện thoại iPhone của Apple do Foxconn sản xuất theo hợp đồng |
Hiện Foxconn đang sử dụng tổng cộng 800.000 lao động tại Trung Quốc. Ông Gou đã có phản ứng công khai đầu tiên đối với cuộc khủng hoảng này vào chủ nhật vừa qua “Chắc chắn chúng tôi không phải là một nhà máy bóc lột công nhân tàn tệ”, ông Gou nói “Ở giai đoạn này, chúng tôi có thể chỉ lặng lẽ làm công việc của chúng tôi và không đưa ra bất cứ lời bình luận này về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm hết khả năng của chúng tôi” để cải thiện tình hình. “Một nhà máy có tới 800.000 công nhân thật không dễ dàng gì để quản lý”, ông Gou nhấn mạnh. Trở thành tâm điểm chú ý vì liên tiếp xảy ra những thảm kịch tự tử của công nhân nhưng bản thân Foxconn cũng phải thừa nhận họ không lý giải nổi tại sao tình trạng tự sát lại tăng như vậy trong đội ngũ công nhân của công ty tại Thâm Quyến. Foxconn chỉ còn biết thanh minh rằng tất cả các vụ tự tử trên đều vì những vấn đề cá nhân. Foxconn cũng tỏ ra tích cực đối phó với vấn nạn này. Kể từ giữa tháng 4, Foxconn đã lập một đường dây nóng ngăn chặn tự sát tại nhà máy chính của mình ở Thâm Quyến, treo thưởng 500 NDT cho các thông tin giúp ngăn chặn được một vụ tự tử. Bên cạnh đó, họ cũng mời các chuyên gia tâm lý giỏi nhất Trung Quốc đến để lý giải tình trạng tự tử gia tăng. Các giám đốc của Foxconn cho biết họ đã xây dựng các khu nhà ở hiện đại, cải thiện dịch vụ ăn uống và thậm chí trang bị cả bể bơi, các phương tiện giải trí cho công nhân. Tuy nhiên, thực tế, từ nhiều năm nay, báo chí Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích về những điều kiện làm việc hà khắc ở những nhà máy của Foxconn như thời gian làm việc quá dài, khu nhà ở công nhân đông đúc và chật chội, quy chế nghiêm khắc với những sai sót trong các dây chuyền và hình phạt rất nặng với những lỗi nhỏ của công nhân. Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) bình luận: “Đó là quy mô của một thành phố nhỏ, nhưng lại không phải là thành phố. Ở một thành phố, mọi người sống với gia đình, nhận được tình yêu thương, sự chăm sốc và hỗ trợ tâm lý. Nhưng ở đây, đó là một nhà máy”
Theo Võ Hiền
Dân Trí
Dân Trí