Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 19,54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 4,28 tỷ USD. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu đạt trên 3,57 tỷ USD, chiếm 14,46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, tăng 47,79% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm hàng điện thoại và linh kiện đứng thứ 2 về kim ngạch, tăng 7,49%, đạt trên 3,41 tỷ USD, chiếm 13,82%. Tiếp đến nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng vị trí thứ 3, đạt trên 3,12 tỷ USD, chiếm 12,65%; nhóm hàng Giày dép các loại đạt trên 2,68 tỷ USD, chiếm 10,87%, tăng 11,06%.
Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị, các dự án đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và các lĩnh vực ưu đãi sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi riêng biệt theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Bên cạnh Luật Đầu tư 2020, hệ thống pháp luật Việt Nam còn có nhiều quy định liên quan đến thu hút FDI kèm theo công nghệ như Luật Công nghệ cao và một số các Luật khác tạo thành một khung pháp lý toàn diện, hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động đầu tư.
Cùng với đó, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Để thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/10/2021, quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, đã đặt ra những tiêu chí rõ ràng về chuyển giao công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể thấy, bức tranh tổng thể của thị trường công nghệ trong nước đang có nhiều điểm sáng với những cơ hội mới. Thiết lập một hệ thống tiêu chí đa dạng để thu hút FDI, tập trung vào các yếu tố như địa điểm đầu tư, ngành nghề, quy mô dự án và lĩnh vực hoạt động, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về đầu tư để thu hút FDI mang theo công nghệ cao, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao, khu chế xuất và khu kinh tế trọng điểm.
Việc khởi động Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trùng với thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giúp Việt Nam và EU xác định các cơ hội hợp tác và cùng phát triển. EVFTA đang đóng vai trò là một nền tảng vững chắc để Việt Nam thu hút đầu tư công nghệ từ EU, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nền kinh tế công nghệ cao. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ minh bạch là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong khoa học và công nghệ. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành ngày 16/6/2022 phản ánh nỗ lực tuân thủ những cam kết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quy định trong EVFTA.
Ngày 26/9/2024 vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII) năm 2024. Theo báo cáo này, Việt Nam được xếp hạng thứ 44 trên 133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 về đổi mới sáng tạo, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Đáng chú ý, trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (theo % tổng giao dịch thương mại).
Hình ảnh minh họa. |
Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù có những lợi thế lớn, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU với những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.
Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn trong Thỏa thuận Xanh châu Âu tạo ra một hàng rào kỹ thuật khá phức tạp cho các doanh nghiệp. Để hiện thực hóa chiến lược này, EU sẽ ban hành nhiều quy định mới, tiêu biểu là Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP). CEAP sẽ tác động trực tiếp đến 7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng điện tử và công nghệ thông tin.
Để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA nhằm xúc tiến thương mại trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu của thế giới và EU. Trong đó, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách thu hút FDI công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ mới.