Ngày 31/5/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo công dân nước này về mối đe dọa tấn công khủng bố tại châu Âu trong mùa hè này, trong đó các mục tiêu tiềm tàng là giải Vô địch bóng đá châu Âu 2016 (EURO 2016) và những sự kiện liên quan diễn ra trên khắp nước Pháp cũng như “Lục địa già”.
Hàng loạt cảnh báo
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cảnh báo người dân Mỹ về “nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố trên khắp châu Âu, với mục tiêu là các sự kiện lớn, các địa điểm du lịch, nhà hàng, trung tâm thương mại và hệ thống giao thông”. Theo đó, “số lượng lớn khách du lịch tới châu Âu trong những tháng hè sẽ là mục tiêu lý tưởng cho khủng bố lên kế hoạch tấn công tại các địa điểm công cộng, đặc biệt là các sự kiện lớn”. Ngoài giải bóng đá EURO 2016 được tổ chức tại Pháp từ ngày 10/6 đến 10/7, cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập đến sự kiện Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới diễn ra từ 26 - 31/6 tại Krakow (Ba Lan) với khoảng 2,5 triệu người tham dự và giải Đua xe đạp vòng quanh nước Pháp (Tour de la France) từ ngày 2 - 24/7.
Quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định mục tiêu của lệnh cảnh báo này không phải để khuyến cáo người dân Mỹ không đi du lịch châu Âu mà để nhắc nhở người dân đề cao cảnh giác. Ông Kirby cũng nêu rõ cảnh báo đi lại của Bộ Ngoại giao Mỹ có hiệu lực đến ngày 31/8.
Ngày 1/6, giới chức Syria cũng gửi cảnh báo đến Văn phòng Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho biết, gần 4.000 hộ chiếu Syria để trống đã bị đánh cắp từ đầu năm 2014. Theo giới chức Syria, nhiều khả năng các phần tử khủng bố sẽ lợi dụng những tấm hộ chiếu này thâm nhập vào châu Âu để thực hiện các vụ tấn công vào mùa hè này. Hàng loạt các cuộc bắt giữ các tay súng thánh chiến trở về từ Syria và Iraq thời gian vừa qua càng làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế về nguy cơ tiềm ẩn của các vụ tấn công khủng bố.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh cũng ban hành các khuyến cáo “mối đe dọa cao” của các vụ khủng bố tại một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp. Truyền thông Italy đưa tin châu Âu cần “cảnh giác tối đa”.
IS “nhắm” tấn công EURO 2016
Theo các thông tin mới nhất từ Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV), tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã đưa vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016) vào “tầm ngắm” để thực hiện các âm mưu tấn công khủng bố. tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào về một cuộc tấn công được lên kế hoạch.
Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo BfV, ông Hans-Georg Maassen khẳng định IS đang nhắm tới EURO 2016. Đồng thời, ông cũng cho biết dù chưa có bằng chứng xác thực về một kế hoạch tấn công nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các tổ chức khủng bố như IS, al Qaeda và Mặt trận Al-Nursa đang âm mưu tấn công các mục tiêu phương Tây. Trước đó, lãnh đọa cơ quan tình báo quốc gia Pháp, quốc gia đăng cai tổ chức EURO 2016, cũng đã cảnh báo các tay súng IS đang lên kế hoạch đặt bom khủng bố nhiều địa điểm trên lãnh thổ nước này, đặc biệt tại những địa điểm đông người
Trong những tháng gần đây, các chuyên gia an ninh của Pháp đã liên tục cảnh báo về nỗi lo ngại bị khủng bố tấn công. Theo Chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia Pháp Didier Le Bret, cộng đồng tình báo châu Âu đã phát hiện một mạng lưới âm mưu tấn công đang phát triển ngày một rộng tại châu Âu.
Cảnh sát Pháp bảo vệ tại sân vận động. |
Nỗ lực đối phó
Cảnh báo của Mỹ và các nước được đưa ra trước những quan ngại về việc khủng bố ngày càng có xu hướng tổ chức các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ và các nước châu Âu. Đặc biệt là sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris của Pháp ngày 13/11/2015 làm 130 người thiệt mạng và vụ đánh bom liều chết tại thủ đô Brussels của Bỉ ngày 22/3 vừa qua cướp đi sinh mạng của 32 người.
Trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho EURO 2016, Pháp đang ráo riết tăng cường an ninh nhằm đảm bảo an toàn cho giải bóng đá lớn nhất châu Âu sẽ bắt đầu khởi tranh vào ngày 10/6 tới và dự kiến kéo dài 1 tháng. Ước tính khoảng 2,5 triệu lượt khán giả sẽ có mặt để cổ vũ cho 51 trận đấu diễn ra tại 10 sân vận động trên toàn nước Pháp trong khuôn khổ EURO 2016. Ngoài ra, sẽ có rất nhiều người hâm mộ tập trung trước các màn hình lớn để theo dõi các trận đấu.
Để đảm bảo an ninh cho các sự kiện thể thao hấp dẫn trong mùa hè này, Chính phủ Pháp ngày 1/6 đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 26/7. Trước đó, ngày 31/5, Tổng Cục An ninh đối ngoại của Pháp (DGSE) đã yêu cầu sự hợp tác của các cơ quan an ninh Algeria nhằm ngăn ngừa nguy cơ tấn công khủng bố trong dịp diễn ra EURO 2016. Theo đó, Pháp cần cung cấp 3 loại thông tin. Thứ nhất là những thông tin liên quan đến hoạt động của nhánh Al-Qaeda ở phía Bắc Mali, chính xác hơn là sự có mặt của những người Pháp gốc Maghreb và gốc châu Phi trong hàng ngũ nhóm khủng bố thánh chiến này. Cơ quan tình báo Pháp muốn có những thông tin liên quan đến nhóm khủng bố Okacha hay còn gọi là “Yahya Abou Hamam” liên quan đến kế hoạch chuẩn bị tấn công khủng bố trong dịp EURO 2016.
Mối quan tâm thứ hai của tình báo Pháp đó là hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Libya. Đó là mối nguy hiểm lớn gây lo ngại cho toàn bộ các cơ quan an ninh của châu Âu do có nhiều mạng lưới của IS ẩn mình hoạt động tại châu Âu mà các cơ quan tình báo chưa thể nắm được. Cơ quan an ninh của nhiều nước đã trao đổi nhiều báo cáo cho biết IS tại Libya dự định lợi dụng dòng người di cư đến từ các nước Bắc Phi cho những kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào nước Pháp.
Mối đe dọa thứ ba gây lo ngại cho tình báo Pháp đó là nhóm khủng bố Mokhtar Belmokhtar đã gia nhập Al-Qaeda tại Libya và phía Bắc Mali hiện đang hoạt động tại nhiều nước trong khu vực do nhóm này có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố quốc tế.
Cùng ngày, trên sân vận động Park Olympic, ngoại ô thành phố Lion, miền Nam nước Pháp đã diễn ra cuộc diễn tập quy mô lớn đối phó với các tình huống khủng bố tại vòng chung kết EURO 2016. Mục đích chính của cuộc diễn tập là bảo đảm cho các lực lượng cảnh sát, hiến binh có thể kiểm soát khu vực xảy ra khủng bố và ngăn các hành động khủng bố hàng loạt.
Cuộc tập trận diễn ra với sự tham gia của vài trăm người, trong đó có cả các nhân viên chính quyền thành phố Lion và các thành phố lân cận, các nhân viên thuộc Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), Cục Đường sắt Pháp, sân bay thành phố Lion. Các tình nguyện đóng giả thành các cổ động viên, một số trong số họ sẽ đóng vai các nạn nhân của các hành động khủng bố. Một số khác vào vai những người nước ngoài, không biết tiếng Pháp và không giao tiếp được với những người đến giúp đỡ.
Chính phủ Ba Lan cũng sẽ áp dụng kiểm soát biên giới ở tất cả các biên giới quốc gia từ ngày 4/7 – 2/8, du khách đến Ba Lan trong giai đoạn này phải trình hộ chiếu và trải qua kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.
Châu Âu báo động cao
Thời điểm này, nhiều nước châu Âu cũng đang đặt trong tình trạng báo động cao về nguy cơ tấn công khủng bố đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh.
Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nước thành viên tăng cường hợp tác nhằm đối phó với tình trạng các phần tử cực đoan từng tham chiến tại Syria và Iraq quay về châu Âu.
Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua quyết định cho phép thu thập và chia sẻ dữ liệu về các hành khách đi máy bay (Passenger Name Record, PNR), với 463 phiếu thuận và 174 phiếu chống. Đây được coi là một trong những công cụ nhằm tăng cường phương tiện đấu tranh chống khủng bố, nhất là sau các vụ tấn công đẫm máu ở Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ).
PNR buộc các hãng hàng không phải cung cấp thông tin về hành khách đi máy bay, như tên tuổi, số điện thoại, hành trình chuyến bay, địa chỉ liên lạc, phương thức thanh toán,… cho các quốc gia châu Âu liên quan.
Mục đích của phương pháp này là nhằm giúp phát hiện những đối tượng tuy chưa có tên trong danh sách tình nghi khủng bố, nhưng phân tích dữ liệu cho thấy cần phải điều tra. Sau đó, các nước thành viên sẽ cảnh báo cho các quốc gia châu Âu khác nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, PNR sẽ không có các thông tin nhạy cảm như chủng tộc, tôn giáo, tình trạng sức khỏe hay xu hướng tính dục. Các dữ liệu được lưu giữ trong 5 năm, nhưng những thông tin để nhận diện sẽ bị làm mờ sau sáu tháng, trừ khi cần phục vụ cho điều tra.
Mặc dù đã có nhiều bước tiến trong hợp tác để tăng cường chống khủng bố nhưng Điều phối viên về chống khủng bố của EU Gilles de Kerchove vẫn cảnh báo, còn nhiều bất cập trong hoạt động trao đổi thông tin tình báo về các tay súng từng tham chiến cho nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Ông Gilles de Kerchove khẳng định, vẫn còn quá nhiều lỗ hổng liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin cho Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) về số lượng các tay súng từng ra nước ngoài chiến đấu cho IS và quay trở về tiến hành các vụ tấn công trong lòng châu Âu.
Cơ sở dữ liệu của Europol chỉ chứa thông tin về 2.956 tay súng nước ngoài của IS, trong khi ước tính chính thức cho thấy khoảng 5.000 công dân EU đã tham chiến trong hàng ngũ IS. Theo ông Kerchove, 90% những cái tên trong cơ sở dữ liệu của Europol được nhập vào năm 2015 và chỉ do 5 trên tổng số 28 nước thành viên EU tham gia cập nhật. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu khác của Hệ thống thông tin châu Âu còn nghèo nàn hơn khi chỉ có 1.615 cái tên.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, với những cảnh báo về nguy cơ bị tấn công trong mùa hè này, nếu các nhà chức trách không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả thì kịch bản về một cuộc tấn công khủng bố có thể lặp lại đối với bất kỳ quốc gia nào tại châu Âu../.