Nơi bom dội như 'cơm bữa', tang tóc ám ảnh

Hiện trường một vụ nổ ở TP Tartus hôm 23/5.
Hiện trường một vụ nổ ở TP Tartus hôm 23/5.
(PLO) - Ngày 23/5, tại thành phố cảng Aden, miền Nam Yemen đã xảy ra hai vụ đánh bom liều chết, làm ít nhất 45 người thiệt mạng và 60 người bị thương. Cùng ngày, hai thành phố ven biển Tartous và Jableh của Syria cũng rung chuyển do 7 vụ đánh bom gần như đồng thời khiến ít nhất 148 người thiệt mạng và 120 người bị thương. 

Những vụ khủng bố hàng loạt diễn ra liên tiếp ở hai quốc gia khiến tình hình khu vực càng trở nên hỗn loạn...

Ở cả Yemen lẫn Syria, tình hình khủng bố dưới hình thức các vụ đánh bom diễn ra dày đặc, gần như không tháng nào không có một vài vụ, hầu hết đều do hai tổ chức khủng bố là al-Qaeda và IS thực hiện.

Tân binh thiệt mạng

Giới chức an ninh Yemen cho biết, hai vụ đánh bom đều nhằm vào những thanh niên đang xếp hàng đăng ký gia nhập quân đội ở quận Khor Maksar. 

Một đối tượng đánh bom xe liều chết lao vào hàng người ở bên ngoài trung tâm tuyển quân gần căn cứ Badr làm ít nhất 20 người thiệt mạng. Trong khi đó, kẻ đánh bom thứ hai đã kích hoạt áo cài thuốc nổ khi đứng trà trộn vào một nhóm tân binh đang đợi ở bên ngoài ngôi nhà của một chỉ huy quân đội cũng ở quận Khor Maksar, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng. 

Cùng ngày, trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng, nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận là thủ phạm của hai vụ đánh bom này. IS cho biết một phiến quân của nhóm này đã kích hoạt đai thuốc nổ ở giữa nhóm binh sĩ tại một trung tâm tuyển quân, đồng thời nêu đích danh thủ phạm đánh bom liều chết là Abu Ali al-Adeni. 

Dân thường khốn khổ

Không rõ có sự phối hợp hay không, nhưng cùng ngày 23/5, hai thành phố ven biển Tartous và Jableh của Syria cũng rung chuyển do 7 vụ đánh bom gần như đồng thời – chính xác ra là đánh bom liên hoàn khiến ít nhất 148 người thiệt mạng và 120 người bị thương.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 48 người đã thiệt mạng trong 3 vụ tấn công, trong đó ít nhất 2 vụ đánh bom liều chết, tại thành phố cảng Tartous, cách thành phố Latakia 25km về phía Nam. Tại thành phố Jableh thuộc tỉnh Latkia, miền Tây Bắc Syria, ít nhất 53 người khác thiệt mạng trong 4 vụ nổ, trong đó 3 vụ là đánh bom liều chết. Các vụ đánh bom nhằm vào một số khu vực như bến xe buýt, bệnh viện quốc gia và trạm điện. Tổ chức IS đã thừa nhận tiến hành loạt vụ đánh bom đẫm máu này.

Hiện trường một vụ đánh bom tại thành phố Jableh, Syria.

Hiện trường một vụ đánh bom tại thành phố Jableh, Syria.

Ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại hai thành phố ven biển Tartous và Jableh của Syria, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ, đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động quân sự leo thang tại thủ đô Damacus của Syria và các vùng lân cận, đặc biệt tại các tỉnh Daraya, Aleppo, Idlib và phía Bắc tỉnh Homs. Người đứng đầu LHQ cho rằng thủ phạm tiến hành các cuộc tấn công chết chóc này phải bị trừng phạt thích đáng.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án các vụ tấn công “kinh hoàng” mà IS nhận tiến hành tại Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định Washington sẽ tiếp tục đứng đầu liên minh quốc tế chống IS, và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngừng tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng đối lập tại Aleppo và Daraya. 

Yemen – Đánh bom như “cơm bữa”

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa vào tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam hồi tháng 3/2015 và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải sang lưu vong tại Saudi Arabia. 

Ngay sau đó, liên quân khu vực, do Saudi Arabia đứng đầu, đã tiến hành các cuộc không kích và các chiến dịch trên bộ để truy quét lực lượng Houthi. Mặc dù vậy, nhiều thỏa thuận ngừng bắn cũng như các kế hoạch đàm phán đã thất bại. An ninh ở Yemen vẫn cực kỳ bất ổn. Lợi dụng tình hình đó, mạng lưới khủng bố al-Qaeda và IS đã tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở miền Nam và Đông Nam Yemen. Thời gian gần đây, Yemen đã chứng kiến hàng loạt vụ tấn công khủng bố do al-Qaeda và IS tiến hành.

Tại Yemen, từ năm 2015 đến nay có thể thống kê được hơn 20 vụ khủng bố đẫm máu, xin điểm lại một vài vụ: Ngày 8/1, bom phát nổ tại cổng chính của Học viện Cảnh sát tại thủ đô Sanaa khi hàng trăm người đang xếp hàng chờ ghi danh vào trường khiến 50 người thiệt mạng và 71 người bị thương. Hơn 1 tháng sau, các tay súng al-Qaeda tấn công doanh trại của Lữ đoàn Bộ binh số 19 ở thị trấn Baihan, tỉnh Shabwa, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có 3 binh lính của Yemen.

Ngày 20/3, xảy ra hai vụ đánh bom liều chết nhằm vào hai đền thờ Hồi giáo ở thủ đô Sanaa khi các phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite (Si-ai) Houthi đang tiến hành buổi cầu nguyện ngày thứ sáu làm 126 người thiệt mạng và 260 người bị thương.

Đến ngày 17/6, xảy ra 5 vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào các thánh đường Al-Hashush, Al-Quba Al-Khadra, Al-Kibssi, Al-Tayssir của người Hồi giáo dòng Shiite và văn phòng của người đứng đầu bộ chỉ huy phiến quân Houthi Saleh al-Sammad cùng nhà riêng của một thủ lĩnh lực lượng này, Taha al-Mutawakel, tại thủ đô Sanaa, làm 31 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Quả bom được cài đặt ở lối vào các thánh đường và phát nổ khi đông đảo người Hồi giáo đến cầu nguyện trước thềm tháng lễ Ramadan.

Một tháng sau, ngày 19/7, 45 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương khi phiến quân al-Qaeda đánh bom khu vực Dar Saad ở phía Bắc thành phố Aden.

Ngày 22/8, toàn bộ thành phố cảng Aden rung chuyển bởi một vụ nổ lớn phát ra từ tòa nhà nơi đặt trụ sở của cơ quan tình báo địa phương. May mắn không có thương vong trong vụ tấn công bằng bom do tại thời điểm xảy ra vụ việc tòa nhà này không có người.

Đến ngày 2/9, 30 người thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong hai vụ đánh bom liều chết xảy ra tại một nhà thờ Hồi giáo của người Shiite tại quận Jarraf, phía Bắc Sanaa. Vụ đánh bom thứ nhất là do một người đàn ông cho nổ khối bom mang trên mình khi lao vào đám đông đang rời khỏi nhà thờ.

Vụ đánh bom thứ hai xảy ra khi một chiếc xe ô tô gài bom đậu bên đường cũng nổ tung. IS thừa nhận tiến hành các vụ tấn công này. Hai mươi ngày sau, lại có 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một vụ đánh bom liều chết xảy ra tại nhà thờ Balili, ở thủ đô Sanaa. Quả bom đầu tiên phát nổ bên trong nhà thờ giữa lúc các tín đồ Hồi giáo dòng Shiite đang cầu nguyện nhân dịp lễ Eid al-Adha. Sau đó, một kẻ tấn công khác cũng cho nổ khối chất nổ mang trong người tại lối ra vào nhà thờ khi các tín đồ chạy ra ngoài. IS đã thừa nhận tiến hành các vụ đánh bom liều chết này.

Sang năm nay, ngay tuần đầu tiên của năm mới đã xảy ra vụ đánh bom liều chết do IS thực hiện nhằm vào đoàn xe của Tỉnh trưởng Aden Aidarous Zubaidi khi đoàn xe này đang di chuyển tại thành phố Enma. Ông Zubaidi may mắn thoát chết, tuy nhiên một lính cận vệ đã bị thiệt mạng và 8 người khác bị thương.

Ngày 25/3, ba vụ nổ liên tiếp làm rung chuyển thành phố Aden, khiến 25 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Một kẻ đánh bom liều chết cho nổ tung một xe cứu thương gần một điểm kiểm soát quân sự nối tới căn cứ chính của liên quân tại quận Buraiga. Trong khi đó, hai kẻ đánh bom liều chết khác cho nổ tung thân mình ngay gần bốt kiểm soát của một căn cứ quân sự, nơi đồn trú của hàng trăm binh sĩ liên quân. 

Syria – Bạo lực không ngừng

Còn tình trạng bất ổn ở Syria do cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập đã tạo điều kiện cho IS thực hiện các vụ tấn công khủng bố và chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại quốc gia Trung Đông này. Bạo lực đẫm máu tại đây cũng khiến hơn 4 triệu người phải chạy trốn ra nước ngoài và 7,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi tha phương ở trong nước, gây nên một cuộc khủng hoảng người di cư lớn.

Năm 2015, ngày 5/4, IS đặt mìn và phá nổ nhà thờ Cơ đốc giáo Virgin Mary 80 năm tuổi ở thị trấn Tal Nasra thuộc tỉnh Hasaka, phía Đông Bắc Syria ngay thời điểm cộng đồng Cơ đốc giáo trên toàn Syria đang tổ chức lễ Phục sinh.

Ngày 25/6, 3 vụ đánh bom xe liên tiếp tại thị trấn Kobane, thị trấn Barkh Butan và các ngôi làng lân cận khiến 146 người thiệt mạng; trong số những người thiệt mạng có hàng chục phụ nữ và trẻ em. Ngày 5/7, những kẻ đánh bom liều chết kích nổ một xe tải chất đầy thuốc nổ gần một nhà máy cung cấp điện cho thành phố Hasaka, phía Đông Bắc Syria khiến 30 người thiệt mạng.

Ngày 14/9, hai vụ đánh bom liều chết xảy ra liên tiếp tại tỉnh Hasakah, làm 26 người thiệt mạng và 70 người khác bị thương.

Vụ thứ nhất xảy ra ở khu vực ngoại ô thành phố Khashman khi một kẻ đánh bom liều chết làm phát nổ chiếc xe chở chất nổ gần một trạm kiểm soát của người Kurd. Vụ thứ hai xảy ra sau đó nửa giờ ở khu vực Mahatta khi kẻ đánh bom liều chết lái chiếc xe bồn chở nước có cài chất nổ và cho nổ tung gần một trường học. 

Năm 2016, ngày 26/1 xảy ra một vụ đánh bom kép nhằm vào chốt kiểm soát của quân đội Syria ở tỉnh Homs, khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có có 13 binh sĩ chính phủ và 100 người bị thương. Kẻ đánh bom liều chết dừng xe tại chốt kiểm tra của quân đội ở huyện Al-Zahraa.

Một đối tượng ra khỏi xe trước khi tên còn lại cho nổ tung thân mình khi y vẫn ở trong xe. Lợi dụng sự hỗn loạn do hậu quả của vụ nổ thứ nhất và đám đông đang tụ tập, kẻ đánh bom liều chết ở bên ngoài kích hoạt số thuốc nổ mang trên người.

Năm ngày sau, thêm  60 người thiệt mạng và 120 người bị thương trong vụ đánh bom kép gần đền thờ Sayyida Zeinab của dòng Hồi giáo Shiite, thuộc quận Sayeda Zeinab phía Nam thủ đô Damacus. Ngày 21/2, một vụ đánh bom kép ở quận Al-Zahraa, trung tâm thành phố Homs khiến 57 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Ngày 25/4, 12 người thiệt mạng và 35 người bị thương trong một vụ tấn công khủng bố khi một đối tượng cho nổ tung chiếc xe chứa 100kg thuốc nổ khi bị yêu cầu kiểm tra tại một chốt kiểm soát gần quận Sayyidah Zaynab, phía Nam thủ đô Damascus, nơi có đông người Hồi giáo dòng Shi’ite sinh sống...

Xung đột đẫm máu ở hai quốc gia này đang khiến dòng người di cư sang châu Âu tăng lên nhanh chóng, làm lan rộng hơn những bất ổn về những phần còn lại của thế giới...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.