Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã siết chặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào ngành dầu khí Iran. Đây là một bước đi nữa để gia tăng áp lực nhằm hối thúc quốc gia Hồi giáo nối lại cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
[links()]
Các kỹ thuật viên Iran tại tổ hợp hạt nhân Isfahan. |
Ngoại trưởng các quốc gia thành viên khối EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới, bổ sung vào gói trừng phạt thứ 4 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vốn được công bố hồi tháng trước.
Các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào các lĩnh vực ngoại thương, dịch vụ tài chính, và dầu khí - những lĩnh vực đóng vai trò xương sống của nền kinh tế Iran.
Các quan chức miêu tả đây là “các biện pháp trừng qui mô nhất từ trước tới nay mà EU áp dụng đối với bất cứ quốc gia nào”.
Các biện pháp của EU bao gồm lệnh cấm bán trang thiết bị, công nghệ và dịch vụ cho ngành năng lượng của Iran, ảnh hưởng tới các hoạt động tinh lọc, hóa lỏng khí tự nhiên, thăm dò và sản xuất năng lượng. Các nguồn đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng cũng bị cấm.
Iran là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 4 thế giới nhưng phải nhập khẩu 40% nhu cầu xăng dầu do thiếu khả năng tinh lọc để đáp ứng nguồn cầu trong nước.
Lĩnh vực ngân hàng của Iran cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt mới. Theo đó, bất kỳ giao dịch nào trên 40.000 euro phải được sự cho phép của các chính phủ EU trước khi thực hiện. Hơn 40 cá nhân và hơn 50 công ty sẽ nằm trong danh sách đen.
Canada cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Iran vài giờ sau đó. Giống EU, các biện pháp Ottawa nhắm vào lĩnh vực ngân hàng và năng lượng của Iran.
Hôm 2/7, Mỹ cũng đã đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với quốc gia Hồi giáo.
Phản ứng trước động thái mới của EU, Ngoại trưởng Iran tuyên bố các biện pháp trừng phạt không phải là công cụ hiệu quả và chỉ làm phức tạp thêm cuộc tranh cãi với phương Tây.
Trong một diễn biến mới liên quan tới chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo, hãng thông tấn chính thức Iran IRNA đưa tin Tehran sẵn sàng trở lại các cuộc đàm phán về trao đổi nguyên liệu hạt nhân với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mà không cần điều kiện gì. Iran đã gửi thư tới IAEA để đưa ra đề xuất này.
Theo An Bình
Dân Trí