Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu đã có thông cáo báo chí đăng trên website chính thức của EU: europa.eu về việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Ảnh hưởng to lớn tới ngành thủy sản
Theo thông báo này thời gian EU áp dụng là trong 6 tháng và đến tháng 4/2018, EU sẽ sang đánh giá lại về các nỗ lực và cải thiện của phía Việt Nam. Đây là sự cố hết sức đáng lo ngại bởi nếu các biện pháp khắc phục của Việt Nam dù là tích cực thì cũng chỉ sẽ được xem xét kéo dài tiếp một kỳ 6 tháng “thẻ vàng” nữa để từ đó làm cơ sở để quay trở lại “thẻ xanh” bình thường. Nhưng ngược lại, nếu không được đánh giá là tích cực thì sẽ dễ dàng bị xem xét để chuyển xuống “thẻ đỏ” – đồng nghĩa với việc bị cấm XK hải sản sang EU.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), đây là một khó khăn và thách thức lớn đối với ngành khai thác và chế biến XK hải sản của Việt Nam, bởi những hệ lụy có thể xảy ra như uy tín và thương hiệu của ngành hải sản Việt Nam bị ảnh hưởng; XK sang thị trường EU bị sụt giảm, đồng thời tác động xấu đến việc XK sang các thị trường khác như Mỹ - nước đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 01/01/2018.
Cũng theo VASEP, trong thời gian bị thẻ vàng 100% lô hàng hải sản XK sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp XK, ảnh hưởng không nhỏ đến cả sinh kế của ngư dân trên biển. Và đặc biệt, Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng đặc biệt có quan ngại việc “thẻ vàng IUU” có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU sắp tới.
Lập ngay tổ công tác để xử lý
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết: Bộ NN&PTNT sẽ thành lập ngay tổ công tác liên ngành do lãnh đạo Bộ là Tổ trưởng với sự tham gia của các bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU. Ngoài ra, Bộ này cũng sẽ tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU; tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản dưới luật khi được sửa đổi ban hành để cung cấp cho EU.
“Ngay sau khi Luật Thủy sản sửa đổi được Quốc hội thông qua, chúng tôi sẽ khẩn trương xây dựng các văn bản dưới Luật để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thủy sản sửa đổi nhằm đáp ứng được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU. Bên cạnh đó, phải tăng cường nguồn lực cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động nghề cá, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu” - Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.
Ông Oai cũng cho hay, Bộ NN&PTNT sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 và tổ chức thực hiện quyết liệt, triệt để kế hoạch này ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước nguy cơ thủy sản Việt Nam bị “cấm cửa” ở thị trường châu Âu, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang rốt ráo chỉ đạo các địa phương ven biển tăng cường các biện pháp nhằm ngặn chặn, chấm dứt tàu khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước. Cùng với việc chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản, các địa phương tới đây cũng bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Đề nghị rà soát lại dự thảo Luật Thủy sản trước khi Quốc hội thông qua
Để EU không chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ sau 6 tháng tới và hướng tới lấy lại thẻ xanh cho Việt Nam, tạo tiền đề tích cực cho FTA VN-EU, Hiệp hội VASEP và cộng đồng DN hải sản vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Chỉ đạo việc rà soát thêm một lần nữa Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) trước ngày mà Quốc hội thông qua để đảm bảo rằng một số ý kiến từ phía EU và chuyên gia trên cơ sở cân nhắc của chúng ta đã được đưa vào trong khung của Dự thảo.
Chỉ đạo việc thành lập Tổ công tác IUU quốc gia do 01 lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm Tổ trưởng, có đại diện của một số Bộ và Hội, Hiệp hội bao gồm cả VASEP, để tập trung các hoạt động trọng tâm trong 6 tháng nhằm “tránh thẻ đỏ”. Chỉ đạo có sớm một Hội nghị toàn quốc về “thẻ vàng IUU và kế hoạch 6 tháng” gồm một số bộ, ngành liên quan và các Chi cục thủy sản, các cảng cá, các DN hải sản.