Bình luận của Economist viết: Với câu hỏi nền kinh tế của quốc gia châu Á nào đã tăng trưởng vượt bậc trong 25 năm qua, giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói, phần lớn người ta sẽ nghĩ ngay đến Trung Quốc hay Ấn Độ. Thế nhưng đó không phải câu trả lời chính xác, đất nước được đề cập trong bài viết này chính là Việt Nam.
Theo Economist, Việt Nam - đất nước với dân số hơn 90 triệu người - trong suốt một phần tư thế kỷ qua đã có được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 7% trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ vươn lên ngang hàng với Hàn Quốc. Những gì Việt Nam đã làm được quả thật đáng nể, nếu tính đến đầu thập niên 1980, Việt Nam là một nước nghèo do trải qua nhiều thập kỷ bị chiến tranh tàn phá.
Không giống Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam không có lợi thế về quy mô, chính vì vậy kinh nghiệm từ quá trình phát triển của Việt Nam sẽ có nhiều giá trị với nhóm nước đang phát triển trên thế giới.
Khi mà các dây chuyền tự động hóa được đưa vào các nhà máy ngày một nhiều, người ta lo ngại các nước nghèo sẽ không thể phát triển nếu chỉ dựa vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Tuy nhiên, trường hợp Việt Nam cho thấy mô hình phát triển này vẫn có nhiều thành công đáng kể.
Economist bình luận, chính sách cởi mở đã góp phần quan trọng cho thành công của Việt Nam. Khi chi phí lao động của Trung Quốc tăng cao, nhiều công ty muốn tìm kiếm lựa chọn thay thế ít đắt đỏ hơn, và Việt Nam đã may mắn ở đúng vị trí để đón làn sóng này. Thế nhưng trong khu vực Đông Nam Á, không chỉ Việt Nam có lợi thế đó. Việt Nam thành công hơn, đơn giản là vì đã làm tốt hơn.
Kể từ thập niên 1990, Việt Nam đã đơn giản hóa các quy định thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện tương đương khoảng 150% GDP, cao hơn bất kỳ nước nào khác ở ngưỡng thu nhập tương tự.
Chính phủ Việt Nam cũng đã bỏ quy định buộc các công ty nước ngoài phải mua nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam, trong khi đó Indonesia vẫn áp dụng chính sách này. Rất nhiều công ty nước ngoài đã đổ xô đến Việt Nam và hiện khối này đóng góp khoảng 2/3 kim ngạch xuất nhập khẩu.
Nền kinh tế Việt Nam cũng hết sức linh hoạt. Chính phủ khuyến khích phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa 63 tỉnh, thành phố. TPHCM đi đầu với rất nhiều khu công nghiệp; Đà Nẵng phát triển mạnh ngành nghề cần công nghệ cao còn phía bắc đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất. Vì vậy, kinh tế Việt Nam có khả năng chống đỡ khá tốt các cú sốc từ bên ngoài, như cú sốc từ thị trường bất động sản năm 2011.
Việc người Việt đầu tư mạnh tay cho giáo dục cũng được Economist xem là một nguyên nhân quan trọng. Tạp chí này dẫn chứng, mức chi tiêu cho giáo dục của người Việt Nam cao hơn bất kỳ nước nào ở cùng giai đoạn phát triển. Đồng thời, học sinh Việt Nam cũng đạt được thành tích khá cao. Nhiều dữ kiện cho thấy học sinh Việt Nam 15 tuổi giỏi toán không kém học sinh Đức cùng trang lứa.
Chính sự đầu tư này đã mang đến thành công về thương mại. Các nhà máy có thể được tự động hóa, nhưng vẫn cần những người kỹ sư giỏi để vận hành. Cần phải có những người lao động trình độ cao, giỏi nghề để có thể ứng phó với nhiều tình huống phức tạp. Trên phương diện này, dù Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể giàu hơn, nhưng không đầu tư đúng hướng như Việt Nam.
Hiện là nước thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ phải cố gắng vươn lên tầm thu nhập cao hơn dù có nhiều thách thức.
Hiện Việt Nam đang tiến hành cải tổ mạnh mẽ nhóm doanh nghiệp Nhà nước. Việt Nam đã và đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại với các nước châu Á, châu Âu. Việt Nam đồng thời cũng đang nỗ lực tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất mà không khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi.
Vì vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, Economist vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, xem đó là một hình mẫu tốt cho những nước nào đang cố gắng vươn lên cao hơn trên nấc thang phát triển.