Duyên số của toán học VN với giải thưởng Fields

Chúng ta đang đếm từng phút để chờ đến giờ G (14g ngày 19-8-2010, giờ VN), giờ công bố những nhà toán học đoạt giải Fields, mà GS Ngô Bảo Châu được đánh giá là ứng viên nặng ký nhất.

Chúng ta đang đếm từng phút để chờ đến giờ G (14g ngày 19-8-2010, giờ VN), giờ công bố những nhà toán học đoạt giải Fields, mà GS Ngô Bảo Châu được đánh giá là ứng viên nặng ký nhất.  Sau đây là những câu chuyện có thể nói là duyên số của toán học VN với giải thưởng Fields danh giá.
>> Ngô Bảo Châu sẽ đoạt giải Fields 2010?

Giải Fields được trao lần thứ ba vào năm 1954. Một trong hai người được giải là nhà toán học Nhật Kunihiko Kodaira. Ông có con rể là GS Mutsuo Oka, cũng là một nhà toán học.

 

Ông Oka là một người bạn lớn của toán học VN. Ông đã thu xếp cho nhiều nhà toán học VN sang Nhật làm việc và tham gia quyên góp tiền cho việc xây dựng nhà khách của Viện Toán học. Khi ông Kodaira mất năm 1997, gia đình đã quyết định tặng tủ sách chuyên môn của ông Kodaira cho thư viện Viện Toán học.
“Có một nền toán học VN...” Năm 1966, lần đầu tiên giải Fields được trao cho bốn nhà toán học, trong đó có nhà toán học Pháp Alexander Grothendieck và nhà toán học Mỹ Steffen Smale. Cả hai người đều nổi tiếng về hoạt động chống chiến tranh của Mỹ ở VN. Ông Grothendieck được coi là nhà toán học có ảnh hưởng nhất trong nửa sau của thế kỷ 20. Để tỏ thái độ chống chiến tranh, ông Grothendieck sang thăm VN năm 1967 trong lúc Mỹ đang ném bom Hà Nội ác liệt nhất. Ông đã giảng một loạt bài về các hướng nghiên cứu toán học hiện đại, chủ yếu về đại số đồng điều. Trong bản báo cáo về chuyến đi VN ông viết rằng “có một nền toán học VN thật sự đúng nghĩa ở nước VN dân chủ cộng hòa”. Câu này được ông gạch thêm bên dưới để nhấn mạnh. Sau đấy ông viết là sẽ chứng minh “Định lý tồn tại” này và giới thiệu tương đối chi tiết toán học VN thời bấy giờ. Ông đặc biệt ấn tượng với khả năng của các nhà toán học trẻ VN và nêu tên đích danh ba người là Đoàn Quỳnh, Hoàng Xuân Sính và Trần Văn Hạo. Ông có kế hoạch đưa những người này sang đào tạo bên Pháp. Sau này chỉ có Hoàng Xuân Sính sang Paris làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của ông. Tham gia hội đồng bảo vệ luận án có đến ba người được giải Fields là Grothendieck, Schwartz và Pierre Deligne. Có lẽ chưa bao giờ có một hội đồng bảo vệ luận án nổi tiếng như vậy. Ông Grothendieck là thầy (hướng dẫn luận án tiến sĩ) của ông Luc Illusie, ông này lại là thầy của Gerard Laumon là thầy của Ngô Bảo Châu. Như vậy Grothendieck - Ngô Bảo Châu - GS Lê Văn Thiêm - GS Hoàng Xuân Sính có họ hàng về mặt toán học. Còn ông Smale được coi là một nhà bác học trong toán học vì ông quan tâm nghiên cứu nhiều chuyên ngành toán học khác nhau, và ở chuyên ngành nào ông đều đạt được những kết quả xuất sắc. Những năm 1960, ông là lãnh tụ phong trào trí thức chống chiến tranh VN ở Mỹ. Năm 1965 ông tổ chức cho sinh viên bãi khóa ở Đại học California và chặn tàu chở lính Mỹ ở Berkeley. Năm 1966 ông tổ chức họp báo chống chiến tranh VN bên thềm Đại hội toán học thế giới khi nhận giải Fields. Vì những hoạt động chống chiến tranh mà ông bị Quỹ khoa học quốc gia Mỹ cắt tiền tài trợ nghiên cứu. Năm 2004 Viện Toán học mời GS Smale sang VN giảng bài với sự tài trợ của Quỹ giáo dục VN (VEF). Trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã khóc và xin lỗi về chiến tranh VN. Ông Smale có một học trò người Việt là Hà Quang Minh, hiện làm việc ở Đại học Humboldt Berlin.
 
"Gia phả toán học" giải FieldsLaumon, Lafforgue, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn... Đại hội toán học thế giới năm 1970 có hai giải Fields liên quan đến VN. Người thứ nhất là nhà toán học Nhật Heisuke Hironaka. Năm 1968 ông Hironaka dạy về lý thuyết kỳ dị cho các nhà toán học trẻ ở châu Âu. Trong lớp học đó có một sinh viên VN tên là Lê Dũng Tráng mới ở tuổi đôi mươi. Sau này Lê Dũng Tráng trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lý thuyết kỳ dị. GS Lê Dũng Tráng là người đưa Hội Toán học VN gia nhập Liên đoàn Toán học thế giới là tổ chức xét và trao giải Fields. GS Hironaka rất quan tâm đến việc giúp đỡ toán học VN. Ông là người đã vận động Hội Toán học Nhật thành lập chương trình trao đổi toán học giữa Nhật và VN. Ông đã sang thăm VN một vài lần với tư cách cá nhân. Năm 1977 ông công bố một công trình toán học nổi tiếng của mình trong tạp chí Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán, được trích dẫn rất nhiều. Người thứ hai là nhà toán học Nga Sergey Novikov. Ông Novikov là thầy của Lê Tự Quốc Thắng, huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1982. Hiện nay Lê Tự Quốc Thắng là một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Tôpô chiều thấp. Còn hai người đoạt giải Fields nữa đã sang làm việc ở VN. Người thứ nhất là nhà toán học Mỹ David Mumford được giải Fields năm 1974. Ông này đã làm báo cáo mời tại Hội nghị toán quốc tế do Viện Toán phối hợp với Đại học Quy Nhơn tổ chức năm 2005. Người thứ hai là nhà toán học New Zealand Vaughan Jones, được giải Fields năm 1990. Ông này đã làm báo cáo mời tại Hội nghị quốc tế về Tôpô lượng tử do Viện Toán tổ chức năm 2007, và công bố một công trình của mình trong tạp chí Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán. Năm 1978 có nhà toán học Pháp Pierre Deligne được giải Fields. Ông Deligne là học trò của ông Grothendieck và là thầy của GS Lê Dũng Tráng (đồng hướng dẫn). Ông từng là thành viên hội đồng bảo vệ của GS Hoàng Xuân Sính. Do GS Hoàng Xuân Sính cũng là học trò của ông Grothendieck nên có thể coi GS Hoàng Xuân Sính là em và Ngô Bảo Châu là “cháu họ” của GS Deligne về mặt toán học. Đặc biệt hơn, bạn cùng thầy của Ngô Bảo Châu là Laurent Lafforgue cũng được giải Fields năm 2002. Học trò đầu tiên của Lafforgue là Ngô Đắc Tuấn, người từng đoạt huy chương vàng hai lần thi Olympic toán quốc tế năm 1995 và 1996. Hiện nay Ngô Đắc Tuấn đang làm việc tại Đại học Paris 13. Gần đây nhất có Terence Tao là nhà toán học Úc được giải Fields năm 2006 cũng có liên quan đến VN. Tao có mối quan hệ cộng tác thân thiết với Vũ Hà Văn, hiện là một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tổ hợp. Họ đã viết chung 15 công trình và một cuốn sách chuyên khảo. Ngoài ra, Tao có cùng thầy với Dương Hồng Phong, cũng là một nhà toán học VN hàng đầu ở Mỹ. Hiện nay, Tao có một nghiên cứu sinh người Việt là Lê Thái Hoàng, huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1999. Với những người trẻ tuổi như Ngô Đắc Tuấn và Lê Thái Hoàng, biết đâu toán học VN tiếp tục nồng đượm với giải Fields...
Theo GS Ngô Việt Trung (Tuổi trẻ)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.