Chứng kiến cảnh nhiều bà con hàng xóm bị mẩn ngứa, dị ứng nhưng không có tiền thuốc thang, lương y Lê Hữu Mạch (75 tuổi, ngụ đường Kim Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế), hiện là chủ tịch Hội đông y thành phố Huế đã tự mày mò tìm ra bài thuốc điều trị hiệu quả chứng bệnh trên từ cây tỏi đỏ.
Củ tỏi đỏ có tác dụng chữa trị chứng mẩn ngứa, dị ứng ngoài da |
Củ tỏi đỏ thần kỳ
Cây tỏi đỏ trong dân gian còn hay gọi bằng nhiều tên khác là cây tỏi Lào, kiệu đỏ, sâm đại hành. Tỏi đỏ thuộc họ lay ơn, thân mềm, cao chỉ khoảng từ 30 - 40 cm. Đặc điểm khác biệt là thân và củ tỏi đỏ có màu đỏ tía đặc trưng.
“Đây là giống cây rất dễ trồng, dễ kiếm ở nước ta. Từ xa xưa trong nấu nướng cơm nước hàng ngày, dân gian cũng từng sử dụng củ tỏi đỏ như một thứ gia vị vừa giúp món ăn thêm ngon vừa có tác dụng phòng ngừa bệnh tật”, lương y Mạch giới thiệu.
Sau nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm vị lương y này cho biết thêm đã bào chế thành công bài thuốc chuyên trị chứng mẩn ngứa, dị ứng ngoài da và đã ứng dụng thực tế suốt 35 năm nay.
Theo lời lương y Lê Hữu Mạch trình bày thì chứng mẩn ngứa, dị ứng thuộc căn bệnh khá phổ biến ở nước ta. Thời tiết nóng nực, ăn uống phải thức ăn “khắc tính” với cơ địa cơ thể đều dễ dàng dẫn tới mắc bệnh.
Triệu chứng bị mẩn ngứa, dị ứng rất dễ nhận thấy bằng mắt thường: Trước tiên da bị ngứa kéo dài và chuyển sang màu đỏ tấy, sau đó sẽ xuất hiện thêm những nốt mẩn đỏ li ti. Người bị dị ứng nếu không chữa trị dứt điểm có thể dẫn đến hư da, tức ngực khó thở.
Về cách thức sử dụng cây tỏi đỏ để chữa trị chứng dị ứng ngoài da, lương y Mạch hướng dẫn chi tiết: “Dùng củ tỏi đỏ thái mỏng phơi khô, mỗi ngày dùng khoảng 50g, sắc lấy nước, chia uống hai lần sau mỗi bữa ăn. Mỗi thang thuốc chỉ lấy hai chén nước thì bỏ đi để nấu thang mới. Muốn tăng hiệu quả, nên kết hợp thêm một số vị thuốc nam khác như Bồ công anh, nhân trình, cam thảo, cây lục bình, mỗi thứ chừng 10g”.
Thời gian trị liệu theo kinh nghiệm của lương y Mạch có thể chỉ vài ngày bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt, ngoài ra còn tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của từng bệnh nhân. “Thông thường chỉ cần uống thuốc trong vòng một tuần sẽ cho kết quả ngay. Tuy nhiên để trị dứt điểm chứng bệnh dị ứng, mẩn ngứa ngoài da, cần kiên trì uống thuốc ít nhất thêm bốn tuần sau đó nữa. Trường hợp nào nặng quá cũng chỉ điều trị chưa đến hai tháng là khỏi”, lương y Lê Hữu Mạch cho biết.
Ông không quên căn dặn thêm, bệnh nhân trong quá trình trị liệu bằng bài thuốc từ củ tỏi đỏ cần tuyệt đối kiêng tránh ăn rau muống, đỗ xanh nếu không sẽ làm giảm lực thuốc. Ngoài ra một số thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, cá ngừ cũng nên giảm ăn “ít chừng nào càng tốt chừng đó”.
Ông Mạch bên khóm cây tỏi đỏ trong vườn |
Mơ ước thuốc nam “lấn sân” thuốc tây
Ở Huế, lương y Lê Hữu Mạch luôn được biết đến là người “trung thành” và đi đầu trong việc phát triển cây thuốc nam thay thế cho thuốc tây . Ông trải lòng, từ xa xưa cha ông ta đã biết cách dùng những cây thuốc tưởng chừng rất bình thường nhưng lại có công dụng chữa trị bệnh tật cực tốt. “Vậy tại sao bây giờ hễ đau ốm sơ sơ chúng ta lại tìm ra quầy thuốc thay vì sử dụng các cây thuốc?”, ông đặt câu hỏi.
Chính từ câu tự vấn bản thân đó, lương y Mạch đã quyết tâm tìm tòi, sáng tạo ra những bài thuốc nam hiệu quả. Ông bày tỏ nỗi cánh cánh trong lòng bấy lâu nay: “Thời nay người ta bận bịu, áp lực công việc nên cái gì cũng thích tiện lợi, nhanh chóng mà không nghĩ đến tính bền vững lâu dài. Thuốc nam tuy mang lại tác dụng chậm nhưng người dùng hoàn toàn yên tâm, không lo sợ tác dụng phụ do thuốc gây ra. Vả lại cây thuốc nam ở nước ta đâu thiếu, tại sao lại lãng phí nguồn lợi quý giá đến thế chứ ?”.
Cũng chính từ tâm niệm trên mà cách đây hơn 30 năm lương y Mạch đã dày công tìm ra bài thuốc trị chứng mẩn ngứa, dị ứng ngoài da. “Hồi đó những bệnh ngoài da phổ biến nhiều lắm, một phần do cuộc sống khó khăn nên chuyện đảm bảo vệ sinh chưa được đề cao. Tuy bị bệnh nhưng ai cũng đánh liều “chung sống với bệnh” bởi không đủ tiền mua thuốc tây. Từng được biết củ tỏi đỏ có công dụng giải độc cực hay nên tôi lần mò thử nghiệm và đã thành công”, lương y Lê Hữu Mạch vui vẻ chia sẻ về nguồn gốc bài thuốc nam do chính mình sáng tạo nên.
Càng khâm phục tấm lòng thương người của vị lương y hơn khi được biết giá thành mỗi thang thuốc chỉ từ 10 - 15 ngàn đồng. Đó là chưa kể những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ông không ngần ngại khám chữa miễn phí, giúp luôn khoản thuốc men. “Có đáng là bao, tranh thủ lúc rảnh rỗi tôi tìm thuốc, thái nhỏ rồi sao khô là có ngay bài thuốc rồi. Giúp được ai thì gắng giúp, niềm vui của người thầy thuốc chính là ngày ngày được chứng kiến bệnh nhân của mình trở lại lành lặn. Gia đình tôi vốn có truyền thống nghề y nhiều đời nên việc cứu người là chuyện nên làm, phải làm”, thầy thuốc Mạch khiêm tốn nói.
Năm nay đã ở tuổi ngoài 70 nhưng lương y Lê Hữu Mạch ngày ngày vẫn miệt mài dán mắt vào những cuốn sách thuốc cổ đã sờn gáy. “Tinh tuý thuốc nam nằm trong những tài liệu cổ này cả đây”, ông mỉm cười “bật mí”.
Nói đoạn như sực nhớ ra bí mật lâu ngày nào đó, ông vỗ vai khách khoe chuyện: “Tôi vừa có dịp ra nước ngoài thăm thân, hoá ra ở nhiều nước người ta dùng thuốc nam rất phổ biến, quầy thuốc nam nằm san sát mà khách vẫn đông đều. Thế mới biết người Tây không hoàn toàn dùng thuốc tây như mình thường nghĩ. Người Việt chúng ta nên trân trọng, học tập điều này, tránh tình trạng sống trên rừng thuốc mà lãng phí đem tiền đi mua thuốc”.
Có lẽ vì những tâm niệm này mà người ta gọi ông là lương y đi đầu trong việc thay thế thuốc tây bằng thuốc nam.
Để đề phòng chứng mẩn ngứa, dị ứng cần chú ý chế độ ăn ngủ, tập luyện thích hợp. Trong ăn uống cần bổ sung các nguồn thực phẩm giàu Protein như trứng gà, tôm, một số loài cá và các vitamin, khoáng chất từ rau quả. Vận động ngoài trời hợp lý cũng sẽ giúp tăng sức đề kháng, phòng dị ứng. |
Mai Long