Hôm nay (20/10), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam”.
Đây là dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái và thay đổi thái độ, hành vi đối với bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, Dự án này thiết lập mô hình cung cấp các dịch vụ thiết yếu, tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực giới lần đầu tiên tại Việt Nam.
Sau gần 4 năm thực hiện (2017-2021), hơn 10 triệu lượt người được tiếp cận với kiến thức về bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là kiến thức về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc tổ chức 3 chiến dịch truyền thông toàn quốc hàng năm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11 đến 15/12 hằng năm).
Tháng 10/2020, UNFPA, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và các bên liên quan đã phối hợp thành lập Ngôi nhà Ánh Dương, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: UNFPA |
Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, Ngôi nhà Ánh Dương đã thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ cho 300 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới. Trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện tại một điểm bao gồm các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn, phúc lợi xã hội, an ninh và tư pháp.
Đường dây nóng hoạt động miễn phí 24/7 đã tiếp nhận trung bình hơn 1.000 cuộc gọi hàng tháng. Gần 500 cán bộ trực tiếp cung cấp dịch vụ cho người bị bạo lực giới đã được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực…
Phát biểu tại hội thảo tổng kết Dự án, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá cao các kết quả của Dự án. Đây thực sự là một điểm sáng trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và là căn cứ thực tiễn quan trọng trong việc xây dựng chính sách về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đánh giá, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn những thách thức trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 được ghi nhận như chất xúc tác khiến cho tình trạng bạo lực trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động của bản thân nạn nhân và những người liên quan. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người dân cần chung tay, đồng lòng, vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn để giảm thiểu, chấm dứt tình trạng này.
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kithara tái khẳng định những cam kết và ủng hộ của UNFPA nhằm góp phần vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái được sống cuộc sống không có bạo lực, từ đó, hoàn thành chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.