Không hiểu sao, tôi cứ có cảm giác, những người đàn bà làm thơ, viết văn thật khó nhọc khi cất lên một tiếng reo để đón đợi ngày Xuân. Họ hòa vào Xuân với tâm trạng nuối tiếc, hoài niệm, lo âu nhiều hơn là đón đợi. Mặc dầu, họ thường nôn nao với tiết Xuân thật sớm, và dứt ra cũng rất muộn màng.
Phải gần 20 năm sau, nối liên lạc với những chị em hồi còn chung lớp học ở Hà Nội, tôi mới nghiệm ra rằng, ông trời cho tôi 2 tháng ở bên họ không phải là vô nghĩa. Khi xin Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Bích Ngân, Thùy Dương cái truyện, khi xin Thu Hiên bài báo, xin Đoàn Thị Lam Luyến, Dư Thị Hoàn chùm thơ, các chị đều giúp với một ý nghĩ nho nhỏ, đăng cái gì ở báo Đà Nẵng cũng thấy vui vui, nhất là khi ghé lại thành phố như mỗi ngày mỗi mới này. Riêng chị Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Mỹ Nữ, Nguyễn Ngọc Tư... thì chỉ gặp gỡ họ qua email trong vài năm gần đây, nhưng họ cũng đầy yêu quý mảnh đất này, để mà lưu giữ cái tên nhỏ xíu của mình trên mặt báo.
Một lần, hay tin chị Ý Nhi về Đà Nẵng, tôi tìm gặp chị. Tác giả của tập thơ “Người đàn bà ngồi đan” ngồi trước mặt tôi với nét mặt dịu dàng và giọng nói ấm đầy tin cậy. Tôi nhớ như in những câu thơ chị viết thời xuân sắc "... Giữa bao nhiêu mưa nắng đời thường/ Đã có lúc lòng con hờ hững/ Thấy hạnh phúc của riêng mình quá lớn/ Ngỡ chỉ mình đau đớn xót xa thô / Giữa bao nhiêu năm tháng ngược xuôi/ Đã có lúc lòng con đơn bạc/ Quên cả những điều tưởng không sao quên được/ Như người no quên cơn đói của chính mình...". Giờ, chị làm thơ cũng rất khó nhọc, chị quay sang viết rất sâu sắc và nặng trĩu ân tình về những chân dung văn nghệ sĩ như Bùi Giáng, Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Phạm Phú Hải... Mỗi lần, có cái gì đăng ở quê nhà, là mỗi lần chị như thấy lời nhớ thương của mình được gửi tới người thân.
Tết năm ngoái, Nguyễn Ngọc Tư mang thai, gần tới ngày sinh vẫn ráng viết gửi cho báo Xuân Đà Nẵng cái tản văn. Sát Tết, Tư sinh, tôi cứ khuyên Tư đừng ngồi máy tính sớm. Thế mà, Tư cứ lăn ra viết, lúc thì nói kiếm tiền mua cái máy ảnh, lúc thì trả nợ tiền làm nhà, lúc thì mua sữa cho con. Tôi xót xa, không dám xin bài mới của Tư, để cho Tư gửi báo khác, nhuận bút được cao hơn. Sao cứ tiếc cho Tư, viết giỏi vậy mà không thể quên đi chuyện áo cơm? Ngay cả Cánh đồng bất tận, người ta cũng đã mua với một khoản tiền chưa bằng chiếc xe máy mà người nghèo cố một chút cũng mua được. Mãi đến hôm nay, vẫn chưa thấy phim đâu, trong khi, có những đạo diễn chỉ mong được làm phim Cánh đồng bất tận trước khi nhắm mắt. Tôi và Tư hay “oán” cái báo mạng. Trước kia, một số báo mà Tư phải viết để hưởng lương, Tư hay ưu tiên cho Đà Nẵng sử dụng trước, rồi “tui xài lại” vì “hổng ai biết”. Nay báo nào cũng đều lên mạng, không làm thế được. Dạo này, Tư viết cũng rất chật vật. Năm nay, Tư viết cho báo Xuân Đà Nẵng rồi, nhưng tới giờ cuối lại năn nỉ “cho tui xin lại cái đó, rồi ráng viết cái khác, đừng trách tui, làm tui rối trí...”. Tư nói vậy, ai nỡ giục Tư.
Một điều khá giống nhau, là những nữ văn nghệ sĩ chẳng mấy khi viết ra cái gì đó để phục vụ cho báo Xuân. Thậm chí, cứ buồn buồn, đau đau, mặc dầu nỗi buồn trong trang viết của các chị đẹp đến nao lòng. Có lần, chị Dạ còn gửi bài thơ Xuân cho Báo Đà Nẵng, hình như là “Người đàn bà mặc áo choàng đen”... Chị Ý Nhi thì năm ngoái mãi không tìm ra thơ Xuân, đành gửi bài thơ chị viết tặng em gái; chị Lam Luyến thì khó khăn lắm mới lồng được chút Xuân, chút Đà Nẵng vào thơ.
Đầu tháng 9 năm rồi, nhân dịp ra Huế tập huấn, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm tới thăm chị Dạ. Mấy năm rồi, nói chuyện với chị qua điện thoại, cứ mong gặp chị một lần. Chị đi vắng đâu đó, định lên trên lầu thăm anh Tường, nhưng anh Tường có biết chi mình... Lần khần, thì nghe tiếng anh Tường gọi “Dạ, Dạ...”, cô bé giúp việc thoắt cái đã chạy lên tầng trên. Nguyễn Nho Khiêm biểu tôi lên theo anh. Lúc anh Khiêm giới thiệu ở Đà Nẵng ra, anh Tường ra dấu, đỡ ngồi qua xe lăn, đôi mắt linh lợi, nói ngay: “Nhờ Đà Nẵng mà tôi sống”. Và anh nói câu được câu mất, rất khó nhọc: Ông Nguyễn Bá Thanh đã giúp anh những ngày ở Bệnh viện C Đà Nẵng... Đà Nẵng giỏi lâu rồi, chứ không phải bây giờ...
Trước kia đã có người giỏi như Thoại Ngọc Hầu làm kênh đào, mở biên giới... Đà Nẵng nên đặt tên đường mang tên Hồ Nghinh, Dương Thị Xuân Quý”. Riêng Hồ Nghinh, anh nhắc tới thật nhiều, là vị lão nho, thâm nho, một vì sao sáng rỡ... Rồi chị Dạ về. Chuyện trò như thể quen thương. Chị mở cho chúng tôi nghe đĩa nhạc chị tự sáng tác và phổ nhạc, do những ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Gương mặt chị long lanh, ánh mắt như chực khóc. Thật hiếm người được như chị, khi không vét cạn nỗi buồn mà làm thơ được, đã gửi lòng mình vào âm nhạc. Trên lầu, anh Tường gọi vọng xuống “Dạ, Dạ...”, dưới lầu chị với lên “Dạ, Dạ...”. Chị lại “mang tiếng Dạ vào thân”, chạy vội. Định biểu chị có cái gì hay thì gửi cho báo, nhưng rồi lại thôi, sợ mình bất nhẫn.
Dịp đó, cũng lần đầu tôi được gặp chị Trần Thùy Mai. Chị cười. Lúm đồng tiền nép vào đôi má, như thể đắng cay ẩn lặn. Tối, trong chương trình tập huấn, tôi được xem bộ phim Trăng nơi đáy giếng - chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chị. Câu chuyện xảy ra ở Huế và các nhân vật đều là người Huế, vậy mà Hồng Ánh - đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở LHP quốc tế Dubai - trong vai Hạnh vẫn nguyên giọng miền Nam. Tôi nhắn tin: “Chị ơi, em đang xem phim, rưng rưng, lặng lặng, mà sao, Hạnh lại nói giọng Nam?”. Chị gọi, giọng như cười: “Tại anh Vinh Sơn chứ không phải tại chị mô”. Ít lâu sau, mail xin chị cái truyện ngắn Xuân. Chị hứa! Một tháng sau, chị mới có được truyện gửi vào. Lại một truyện buồn. Buồn hơn năm cũ.
Cũng về truyện Tết, năm 2007, Thu Hiên gửi truyện “Hoa cải lên trời”. Khi duyệt thì anh N.Q.Nh lúc đó là TBT viết vào góc trái “truyện rất hay, nhưng không thể đăng được...”. Lần này, Hiên bảo “Xin bài thì sẽ cố...”. Nguyễn Ngọc Tư cũng vậy, không viết được cái gì về Xuân, đành nói trớ “đâu cứ phải viết báo Xuân là phải thật Xuân...”. Thành ra, những bài báo Xuân của những nam văn nghệ sĩ thế nào cũng vương vấn vài chữ Tết, còn với nữ thì thật kiệm lời.
Hay là họ cũng như bao người phụ nữ bình thường khác. Mỗi năm đến thời khắc giao thừa, khi trong nhà đã hoàn tất việc bài trí bàn thờ, sửa sang xong từng cánh hoa cũng là lúc những người mẹ, người chị thắp nén hương và mong lòng thật nhẹ nhàng: “Một năm đã qua thật an lành, vẫn được sống với những gì yêu thương nhất”. Lại bắt đầu một năm mới, với những chờ đợi và lo toan, nhọc nhằn và nỗ lực, với lời cầu mong trời đất đừng lấy mất đi của mình bất cứ một thứ gì mà mình đã gắng sức mang theo.
Phan Hoàng Phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.