Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, ngày 07/01/2015 TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở vi phạm về quảng cáo TPCN với tổng số tiền phạt 65 triệu đồng. Trong đó, có Công ty TNHH Dược Phẩm Việt Hùng.
Theo quyết định của Cục ATTP, Công ty TNHH Dược Phẩm Việt Hùng (địa chỉ: Số 13 tổ 9D ngõ 54 Phố Kim Ngưu, Phường Thanh Nhàn,Hà Nội) thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang Vieskin Collagen-C trên trang thông tin điện tử Collagenvh.com khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Cục ATTP cũng khẳng định, cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền Cục ATTP đã buộc các cơ sở vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm, tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung quảng cáo sai. Đồng thời, Cục ATTP đã hướng dẫn các cơ sở tuân thủ theo các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP, nếu tiếp tục quảng cáo không đúng quy định pháp luật, Cục ATTP sẽ thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận nội dung quảng cáo/ Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đã cấp.
Tuy nhiên, theo điều tra của PV, vào thời điểm 20h ngày 11/1/2015, trên trang thông tin điện tử Collagenvh.com vẫn còn nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang Vieskin Collagen-C.
Banner sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang Vieskin Collagen-C vẫn xuất hiện trên website của Công ty TNHH Dược Phẩm Việt Hùng. |
Trên Banner (tấm biển quảng cáo được đặt trên website), Công ty TNHH Dược Phẩm Việt Hùng vẫn quảng cáo: Vieskin Collagen-C, Viên uống Collagen! Bí quyết xóa mờ vết thời gian. Bổ sung Collagen hiệu quả - Xua tan nỗi lo lão hóa. Giá 290.000 VNĐ, phân phối trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, theo một tìm hiểu khác, hiện tại đang tồn tại một website: có địa chỉ: http://www.collagenhcm.com.vn. Theo quan sát của PV, website trên có giao diện giống với website Collagenvh.com của Công ty TNHH Dược Phẩm Việt Hùng. Ở phía cuối website này có ghi thông tin: Công Ty Dược Phẩm Việt Hùng. Tinh chất collagen đích thực – xóa mờ vết thời gian. Địa chỉ: Hoàng Bật Đạt, p15, Quận Tân Bình, TPHCM.
Website collagenhcm.com.vn. |
Trên website này có quảng cáo về sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang Vieskin Collagen-C như sau:
“Viên uống Collagen-C Vieskin: Sản phẩm bổ sung collagen hiệu quả phân phối trên toàn quốc.
Công dụng sản phẩm: Giúp cải thiện làn da, giữ độ đàn hồi cho da giúp cho da mịn màng và săn chắc. Giảm nếp nhăn và phòng ngừa sự hình thành nếp nhăn mới làm chậm quá trình lão hóa của da. Bổ sung Collagen, Cung cấp các Vitamin C, Vitamin E … và các dưỡng chất Coenzyme Q10 cần thiết cho cơ thể để nuôi dưỡng duy trì sự trẻ đẹp cho da.
Điều đặc biệt là trong sản phẩm còn có 1 chất rất tốt cho sức khỏe là Coenzyme Q10 1 dưỡng chất: khá quan trọng trong cơ thể, rất tốt cho tim mạch … bạn xem chi tiết về tác dụng của chất này tại đây.
Duy trì độ ẩm cho da, kích thích sự tái tạo da, cải thiện khả năng đàn hồi tự nhiên cho da, giúp duy trì da săn chắc và trắng sáng hơn.
Thành phần : Collagen tuýp I & III, Vitamin C , Coenzynme Q10, Vitamin E. Các thành phần khác: Cenllulose, magiesium stearat, genlatin (vỏ nang), talc, povidon….”.
Website collagenhcm.com.vn quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang Vieskin Collagen-C. |
Điều đáng chú ý là, trong toàn bộ quảng cáo này hoàn toàn không có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Điều này đã vi phạm Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
Ngoài ra, nhiều người cũng không khỏi hoài nghi đây chính là website của Công ty TNHH Dược Phẩm Việt Hùng. Bên cạnh những điểm tương đồng trong 2 website mà PV đã chỉ ra ở trên, còn một điểm trùng hợp khác, đó là số điện thoại tư vấn tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh của cả 2 website trên là 1: 0969200400.
Theo Điều 3, Thông tư số: 08/2013/TT-BYT:
Các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm
1. Quảng cáo thực phẩm khi ch¬ưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
2. Quảng cáo thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.
3. Quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
4. Quảng cáo thực phẩm không phù hợp với nội dung đã công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm hoặc quảng cáo quá tác dụng của thực phẩm.
5. Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bằng các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
6. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.
7. Các hành vi cấm khác đã được pháp luật về quảng cáo quy định.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về những sai phạm trong việc quảng cáo TPCN./.