Chúng tôi gặp anh vào một ngày mưa dầm dề - kiểu thời tiết đặc trưng của xứ Huế, nhìn dáng người gầy ốm ít ai biết được rằng, anh ngày đêm nghiên cứu và là tác giả của một công trình lớn: dùng sóng siêu âm diệt bọ gậy.
Ngô Quang Tiến Dũng |
Từ ước mơ dang dở…
Trưởng thành từ sinh viên ngành Vật lý, Ngô Quang Tiến Dũng ôm ấp ước mơ và hoài bão lớn, lên đường sang CH Liên Bang Đức thực hiện đề tài nghiên cứu sinh năm 2002. Thế nhưng, ước mơ đó của anh Dũng đã không thành hiện thực khi anh mắc bệnh nặng, sức khỏe ngày càng đi xuống, anh phải về nước vì không đảm bảo sức khỏe theo học.
Anh nhận công tác tại trường Đại học Khoa học Huế - ĐH Huế với nhiệm vụ quản lý cơ sở vật chất của trường. Vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu về chế xuất tinh dầu, anh lao vào công việc như quên đi căn bệnh đang giày vò mình.
Kể lại động lực giúp anh đeo đuổi ước mơ của mình, anh cho biết: “Sau nhiều tháng, tôi nghiên cứu và chế xuất thành công tinh dầu từ rau dấp cá, thành công của công trình này không chỉ giúp tôi khỏi bệnh mà còn là động lực lớn cho các công trình khoa học tiếp theo do tôi đảm nhận”.
Đến công trình khoa học… nổ tung bọ gậy
Cùng với người thầy của mình - Tiến sĩ Trương Văn Chương - hai thầy trò bắt tay vào công trình nghiên cứu ứng dụng sóng siêu âm. Trong quá trình sử dụng thiết bị siêu âm diệt một số loài tảo độc mà vẫn đảm bảo sự sinh sôi, nảy nở của các vi sinh vật khác trong lòng một số hồ ao của thành phố Huế, anh và Tiến sĩ Chương tình cờ phát hiện ra khả năng diệt toàn bộ bọ gậy có trong lòng hồ.
Tiến sĩ Chương kể: “Tôi và Dũng, hai thầy trò có ý tưởng dùng sóng siêu âm diệt tảo độc từ cách đây 3, 4 năm. Trong quá trình thí nghiệm diệt tảo thì tình cờ phát hiện chỉ dùng cường độ mấy W có thể diệt toàn bộ muỗi, bọ gậy có trong lòng hồ”.
Nhiều nhà nghiên cứu về vật lý trong lĩnh vực cơ bản và ứng dụng của cả hai miền Nam, Bắc đều đánh giá đây là công trình khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Những đóng góp và phát hiện mới trong khoa học của những nhà nghiên cứu trẻ thực sự đáng được ghi nhận. Còn về phía người dân của miền đất cố đô thì chỉ nghĩ đơn giản: Có thêm một công cụ để diệt muỗi và hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh sốt xuất huyết mà về mùa hè vẫn là nỗi ám ảnh không chỉ của người dân nơi đây.
Lý giải cơ chế hoạt động của phương pháp này, Lê Quang Tiến Dũng cho biết: “Bọ gậy có mang theo một túi khí trên cơ thể chúng. Sóng siêu âm làm nổ túi khí này và “cắt” đứt cơ thể bọ gậy. Tương tự, sóng siêu âm cũng làm đứt cấu trúc tảo. Dùng sóng siêu âm để diệt bọ gậy muỗi và tảo độc có giá thành rẻ hơn mà cũng không làm hại đến môi trường so với việc sử dụng hóa chất”.
Anh Dũng cho biết thêm, trong vòng bán kính khoảng 50m (đưa sóng siêu âm 100%), có thể nâng cao hiệu suất diệt muỗi lên nhiều lần. Đồng thời vẫn có thể kiểm soát được việc nở hoa của các loài tảo độc để tiến tới cân bằng sinh thái.
Hiện nay, nhiều ao, hồ của thành phố Huế phát hiện tảo độc đang lan tràn. Việc tạo dựng cảnh quan cho các hồ nước cũng là một phần chính của đề tài ứng dụng này. Theo anh, việc dùng sóng siêu âm diệt tảo và bọ gậy không hề gây ra những tác động đối với động thực vật trong hồ, nhất là thức ăn cho cá vì chúng có thể phát triển lại nhanh chóng. Anh Dũng cùng bạn bè đang tiến hành thử nghiệm dùng sóng siêu âm vào giờ nào và bắn trong bao lâu thì sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Công trình “Dùng sóng siêu âm diệt bọ gậy” của anh cùng các đồng nghiệp đã gửi tham gia giải thưởng “Kỹ thuật sáng tạo Việt Nam – VIFOTEC” vừa qua tại Hà Nội, đây thực sự là một nghiên cứu tâm huyết và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nước ta.
Hình ảnh về một người giảng viên trẻ nhiệt tình và yêu nghề, ấn tượng về một công trình khoa học có thể nhân rộng và ứng dụng cho đời sống khiến chúng tôi thực sự khâm phục.
Kỳ Anh