Trung tâm nghiên cứu an toàn sinh thái trường Đại học Petersburg (GUP) đã giới thiệu những “cộng tác viên” mới có nhiệm vụ theo dõi chất lượng không khí khu công nghiệp tại vùng Đông Nam của thành phố. Đó là loại ốc sên khổng lồ mang về từ Phi châu (tên khoa học là Ahatina).
Nhờ những con sên này, các nhà khoa học đã thiết lập một hệ thống để kiểm tra liên tục mức độ ô nhiễmm không khí của khu công nghiệp có nhiều nhà máy thải ra những làn khói độc hại. Loại sên châu Phi khổng lồ rất nhạy cảm với các chất độc trở thành “chất chỉ thị” các chất độc trong khí thải ngay cả khi chúng có hàm lượng cực nhỏ.
“Công việc” của những “nghiên cứu viên” thân mềm này rất đơn giản. Chúng chỉ việc bò trên các quả cầu nhỏ hoặc bơi trên mặt nước. Trên lớp vỏ cứng, người ta gắn các linh kiện đo nhịp tim và hoạt động hô hấp của chúng. Trước quả cầu người ta có đặt các thức ăn để nuôi chúng gồm rau xanh, dưa chuột, đôi khi chút dưa hấu nữa, thay mỗi tuần một lần. Sên được đặt trong các hộp kín, để chúng không sống trực tiếp trong khí thải mà chỉ là khói pha loãng từ 1000 đến 10000 lần bằng không khí sạch. Đó là nồng độ tương ứng với nồng độ không khí tại ranh giới tại vùng được coi là bảo đảm an toàn đối với sức khoẻ (không chịu tác động của khí thải công nghiệp nữa). Các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu an toàn sinh thái trực thuộc Đại học Petersburg đã thiết kế một hệ thông sinh điện tử (bioelectronic) tự động theo dõi các chỉ số hoạt động của sên, thông qua nhịp tim và tính linh hoạt của chúng ở những thời gian trong ngày tương ứng với chu kỳ thải khí của sản xuất. Việc quan sát nhịp tim đã được tiến hành nhờ phương pháp quang học đo biến thiên thể tích (photoplethysmography). Đó là phương pháp quan sát động học của sự khuếch tán ánh sáng, thay đổi theo nhịp đập của tim. Từng thời gian nhất định trong ngày (khoảng 1 đến 3 giờ), người ta ghi lại sự thay đổi tần số tâm thu để xác định sên thay đổi tần số này như thế nào. Từ kết quả thu được, các nhà khoa học đã đưa ra công thức tính toán cụ thể mức độ ô nhiễm của không khí. Chúng ta nhớ lại rằng từ năm 2005, người ta đã dùng sinh vật những “máy chỉ thị mức độ ô nhiễm”. Đó là các con tôm sông để theo dõi chất lượng của nước sông Neva tại tất cả những điểm kiểm tra nước trong thành phố. Và vào cuối năm 2010, hệ thống đo lường sinh học dùng tôm này đã được hoàn thiện.
Theo Bảo Châu
Vietnamnet