Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ cho rằng, phát hiện nói trên là rất quan trọng vì sinh non là nguyên nhân hàng đầu trong các ca tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới.
“Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một sự liên hệ đáng kể giữa việc tiếp xúc với phthalates trong suốt thai kỳ và việc sinh non”, bà Kelly Ferguson, công tác tại khoa Sức khỏe cộng đồng của trường Đại học Michigan – người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho hay.
Phthalates thường được sử dụng trong các sản phẩm nước hoa, keo xịt tóc, sơn móng tay, chất khử mùi và kem dưỡng thể.
Ngoài ra, các hóa chất này còn được sử dụng trong các túi nilon, đồ chơi bằng nhựa, vinyl, vật tư y tế và thuốc men.
“Thông tin này sẽ giúp ích trong việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tiếp xúc với phthalate trong suốt quá trình mang thai”, bà Ferguson nói thêm.
Kết luận nói trên được đưa ra dựa trên việc theo dõi 352 thai phụ tại bệnh viện Bà mẹ trẻ em ở Boston, Massachusetts của Mỹ.
Trong số này, có 130 người sinh non. Kết quả theo dõi ở những người phụ nữ này cho thấy, những thai phụ có tỉ lệ tiếp xúc với các chất chuyển hóa phthalate càng cao thì họ sinh còn càng sớm.
“Bằng chứng này đủ mạnh mẽ để gửi thông điệp tới những phụ nữ mang bầu cần phải tránh phthalates nếu có thể để giảm thiểu nguy cơ sinh non của họ”, bác sỹ Sarah Robertson, giám đốc Viện Robinson thuộc Đại học Adelaide ở Australia nói.
Theo thống kê, trên toàn thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em bị sinh non khi ở trong bụng mẹ chưa được 37 tuần.
Tỉ lệ này đã gia tăng đáng kể trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, với tỉ lệ trẻ sinh non cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á và khu vực cận Sahara ở châu Phi.