Bể hụi dây chuyền
Khoảng đầu tháng 10/2013, Công an thị trấn Nam Phước liên tiếp nhận được đơn của người dân, tố cáo Trần Thị Quỳnh Nga (SN 1983, thôn Mỹ Hạt) chủ cửa hàng thời trang đã “ẵm” của một số người hơn 60 tỉ đồng tiền chơi hụi rồi “biến mất”.
Trong số các chủ nợ, nhiều nhất là những người đang làm việc ở các cơ quan nhà nước. Đơn cử như bà Hứa Thị Thu Phượng (cán bộ Văn phòng UBND huyện, vợ của một viện phó VKSND huyện) bị lừa hơn 29 tỉ đồng; bà Trương Vũ Hòa Thu (cán bộ văn phòng) hơn 2 tỉ…
Không lâu sau, vợ chồng Nguyễn Văn Tuấn (SN 1969), Nguyễn Thị Hồng Minh (SN 1972, cùng ngụ thôn Châu Hiệp) cũng thông báo “không thể trả nợ” với số tiền vay hơn 20 tỉ.
“Của đi, con xót”, liên tục các ngày cuối tháng 10 vừa qua, nhiều chủ nợ kéo đến nhà này chửi bới, đập phá gây áp lực đòi nợ, gây mất an ninh trật tự. Một đêm, bà Minh đã rời khỏi nơi cư trú không rõ lý do, sau đó người chồng cũng đóng cửa nhà, tẩu tán tài sản rồi nối gót theo vợ.
Người dân thị trấn Nam Phước thêm lần “sét đánh ngang tai” thứ 3 khi hay tin Trần Thị Lệ Thủy (Gái Tùng, SN 1975, ngụ thôn Mỹ Hòa, xã Duy Hòa) cũng tuyên bố vỡ nợ rồi “biến mất".
Theo những thông tin từ đơn tố cáo mà người dân gửi cơ quan chức năng, Thủy đã vay mượn của họ hơn 15 tỉ đồng. Sự việc vẫn chưa dừng lại khi nối tiếp sau Thủy, người dân làng Trà Kiệu (xã Duy Sơn) “khóc ròng” khi biết bà Nguyễn Thị Bông (SN 1970, trú Duy Sơn) cũng bỗng dưng mất tích cùng số tiền đang “cầm” của mọi người hơn 10 tỉ đồng.
Tại thị trấn Nam Phước trong những ngày này, khó có thể cảm nhận hết những khó khăn, sự bức xúc mà người dân nơi đây đang gánh chịu, đặc biệt ở làng dệt Châu Hiệp.
Nạn nhân kéo đến tìm con nợ |
Thượng tá Lê Trung Hai, Phó trưởng Công an huyện Duy Xuyên cho biết, với thực tế hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chức năng, rất có thể các vụ vỡ nợ liên tiếp trên có liên quan nhau theo kiểu vay mượn dây chuyền và vẫn chưa dừng lại.
“Công thức chung” của những vụ vỡ hụi chấn động
Pháp luật & Thời đại đã tìm hiểu nhân thân của những đối tượng “ôm tiền”, qua đó tìm thấy công thức chung của các vụ vỡ hụi: Con nợ “nổ banh xác” và người gửi tiền hám lời.
Đối tượng Nga xuất thân trong gia đình “một nắng hai sương” vùng quê Duy Xuyên. Không có điều kiện đi học nhiều, Nga ở nhà phụ gia đình buôn bán ở chợ để mưu sinh. Về sau, Nga lấy chồng rồi vào cả 2 dắt díu vào Nam lập nghiệp. Hai năm sau, năm 2010 Nga về lại quê và bỗng dưng “lên đời” khi mở một cửa hàng thời trang kinh doanh quần áo.
“Đánh bóng bản thân” xong, Nga đánh tiếng cần vốn đầu tư” vào một “dự án” lớn ở TP. HCM rồi rủ rê mọi người tham gia cho cho vay 15 - 18%/tháng.
Cứ góp 100 triệu, mỗi người sẽ nhận 15 triệu đồng tiền lãi. Góp 1 tỉ đồng, nhận lãi ngay 150 triệu đồng. Với mức lãi “khủng” lại trả nóng khiến không ít người tham gia.
Thực tế Nga hoàn toàn không có bất kỳ “dự án” nào như đã nói. Số tiền vay được, Nga trả khoản đầu tư vào cửa hàng, mở rộng thêm kinh doanh và mua ô tô cho chồng.
Sau gần 1 năm “lấy của người này đắp người kia và chi xài cá nhân”, Nga tuyên bố bể hụi rồi âm thầm “biến mất” khỏi sự truy lùng của các chủ nợ.
Trong vụ thứ hai, vợ chồng Tuấn - Hồng Minh trước đây chỉ chuyên cung cấp sợi cho các cơ sở dệt tại địa phương. Do việc kinh doanh vải sợi gặp khó khăn, từ năm 2008, người vợ chuyển sang làm dịch vụ cầm đồ tại nhà, người chồng “thầu” các bãi giữ xe tự phát phía sau Trường THPT Sào Nam và mở quán ăn.
Chỉ làm dịch vụ cầm đồ, bán cơm, giữ xe đạp, vợ chồng Tuấn - Minh cũng nhanh chóng phất lên như “diều gặp gió”. Từ năm 2010, người vợ mở thêm dịch vụ cho vay nóng.
Giấy nhận vay nợ, đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng |
Người vay cần bao nhiêu, Minh đều đáp ứng song phải chịu mức lãi suất từ 10 - 15%/tháng. Để có vốn “làm ăn”, vợ chồng này huy động của nhiều người dân.
Đồng thời với dịch vụ “tín dụng đen”, họ còn nhận làm các dịch vụ đáo hạn ngân hàng cho một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn có “vấn đề” khi vay vốn kinh doanh.
Khi nghề dệt vải tại làng Châu Hiệp (thị trấn Nam Phước) lâm vào cảnh khó khăn, nhiều gia đình đã bán khung cửi, nguyên liệu chuyển đổi nghề nghiệp nên còn một ít vốn dôi dư.
Biết rõ điều đó, vợ chồng này tổ chức huy động nguồn vốn nhàn rỗi trên bằng thủ đoạn chỉ giao dịch với một người thứ 3. Người thứ 3 này thuộc họ hàng gần với Tuấn - Minh, đứng ra huy động vốn của người thân, bạn bè... giao lại cho Tuấn - Minh để lấy chênh lệch.
Trong những ngày đầu, cặp vợ chồng trả lãi lẫn gốc đầy đủ để tạo niềm tin, sau đó tiếp tục huy động với số lượng lớn hơn rồi “ém” dần không trả. Một thủ đoạn khác: Không ai trong số những chủ nợ biết về nhau.
Để màn kịch vỡ nợ được hoàn hảo, đầu tháng 9/2013, dựa vào căn bệnh phù nề hai chân, Minh vào điều trị tại Bệnh viện Duy Xuyên, rồi chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng; rồi lại đến... Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và Bệnh viện Huế để điều trị.
Trong thời gian chữa bệnh, Minh tắt điện thoại, ngừng liên lạc với các chủ nợ, hứa hẹn sẽ trả tiền cho một số chủ nợ sau khi ra viện. Đó là khoảng thời gian vợ chồng Tuấn - Minh âm thầm lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người thân, tẩu tán một số tài sản có giá trị khác.
Tẩu tán xong, giữa tháng 10/2013, Minh tự dựng lên chuyện bị một số người khác gạt nợ để tuyên bố... mất khả năng chi trả.
Trường hợp thứ 3 là Trần Thị Lệ Thủy. Vài năm trước, thấy “nghề” “biêu hụi” đang “thịnh” ở địa phương, người phụ nữ bán quán ăn cũng bắt đầu huy động vốn để “kinh doanh lớn”. Thủy huy động liền nhàn rỗi của người dân làng dệt, lãi suất từ 7 - 10 %/tháng, khi nhận tiền đều chỉ viết giấy nợ với cái tên 3 chữ là Trần Thị Thủy.
Khi người dân ngây ngô hỏi, Thủy trả lời “ghi rứa cho nhanh”. Thậm chí nhiều giấy ghi nợ, Thủy còn lấy tên gọi thường ngày của mình để ghi “Gái Tùng đã nhận”. Do tin tưởng nên người dân không thắc mắc, cho đến khi bị “xù”, mới điếng người không biết đến khi nào “Gái Tùng” mới thừa nhận tên mình mà trả nợ.
Theo nguồn tin riêng của Pháp luật & Thời đại, hiện bước đầu cảnh sát đã xác định được nơi ở của các đối tượng bỏ trốn. Cụ thể, Thủy đang tá túc tại nhà một người quen ở Đà Nẵng. Vợ chồng Tuấn - Minh đang trốn ở quận Bình Tân (TP. HCM). Đối tượng Nga cũng ở Đà Nẵng. Cảnh sát đang mở rộng vụ án, tiếp tục điều tra làm rõ.