Tại Hà Nội, ngày 5/2, UBND quận Đống Đa thông báo dừng lễ kỷ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (lễ hội Gò Đống Đa) 2021. Dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất, "do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường" nên quận quyết định dừng lễ hội.
Lễ hội nhằm tái hiện chiến thắng của quân Tây Sơn trước quân xâm lược nhà Thanh vào Tết Kỷ Dậu 1789, được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa (phố Đặng Tiến Đông) ngày mùng 5 Tết Nguyên đán.
UBND huyện Mỹ Đức cũng thông báo dừng tổ chức lễ hội chùa Hương. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, kéo dài từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Huyện Mỹ Đức chỉ duy trì đón khách tham quan di tích quốc gia đặc biệt quần thể danh thắng Hương Sơn - chùa Hương. Khách tham quan phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện sẽ dừng đón khách.
Lễ kỷ niệm 10 năm hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được huyện Sóc Sơn tạm dừng. Sáng mùng 6 tháng giêng, lễ hội Gióng tại đền Sóc chỉ tổ chức phần lễ với các nghi thức truyền thống. Nhiều hoạt động văn hóa dân gian không được tổ chức như văn nghệ, thể thao, trò chơi. Lễ hội cũng không tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm, trưng bày hình ảnh... Hội Gióng hàng năm diễn ra từ mùng 6 đến 8 tháng giêng Âm lịch.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh cũng bị tạm dừng và hạn chế đón khách đến dâng hương. Lễ kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lễ hội đền Hai Bà Trưng hàng năm được tổ chức vào mùng 6 tháng giêng Âm lịch.
Tại Nam Định, cuối tháng 1/2021, UBND tỉnh đồng ý đề xuất của UBND TP Nam Định, không tổ chức lễ khai ấn và phát ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) đầu xuân Tân Sửu 2021. Chính quyền sẽ không đứng ra tổ chức phần lễ cũng như phần hội tại đền Trần như mọi năm. Đêm 14 tháng giêng, chỉ một vài bô lão tổ chức nghi lễ nhỏ để dâng hương các vua Trần. Đền không tiếp khách đến xin ấn và tham dự lễ khai ấn vào ngày này.
Tuy nhiên, vào những ngày thường, người dân vẫn có thể đến lễ tại đền, nhưng cần đảm bảo các biện pháp phòng chống Covid-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giãn cách 2 m...
Lễ hội đền Trần, một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, thường diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng giêng Âm lịch hàng năm với ba nghi lễ truyền thống là khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và rước nước tế cá. Nghi lễ khai ấn và phát ấn vào đêm 14 tháng giêng thu hút hàng chục nghìn du khách thập phương. Nhiều năm, vào đêm khai ấn thường xảy ra tranh cướp, hỗn loạn.
UBND tỉnh Nam Định cũng dừng tổ chức hội chợ Viềng xuân 2021 tại huyện Vụ Bản và Nam Trực, dự kiến diễn ra vào đêm ngày 7, rạng sáng ngày 8 tháng giêng âm lịch. Chợ Viềng, huyện Vụ Bản gắn liền với quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh; chợ Viềng, huyện Nam Trực là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Chợ Viềng hàng năm thu hút hàng nghìn người, vì dân gian quan niệm nơi đây "mua may, bán rủi". Người bán không nói thách giá và người mua không mặc cả. Sản phẩm được mua bán chủ yếu là cây trồng, vật nuôi, dụng cụ nhà nông...
Cuối tháng 1/2021, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng ba lễ hội lớn là Tịch điền; phát lương đức thánh Trần đền Trần Thương; khai hội chùa Tam Chúc.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (huyện Duy Tiên) thường diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng giêng, có nguồn gốc từ mùa xuân năm Đinh Hợi (năm 987), lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan làm lễ tế thần nông và xuống đồng cày ruộng để khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn.
Kể từ đó, các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều tổ chức lễ Tịch điền một cách thành kính, trang trọng, cầu mùa màng bội thu, khuyến khích mở mang nông trang. Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội Tịch điền đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.
Đầu tháng 2/2021, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ khai hội xuân Tây Yên Tử và các lễ hội truyền thống tại địa phương. Những lễ hội đã tổ chức khai mạc phải giảm quy mô, thời gian tổ chức, các hoạt động; hạn chế tập trung đông người; đảm bảo điều kiện về phòng, chống dịch bệnh. Người dân được khuyến cáo hạn chế du xuân hoặc tham gia lễ hội; khi đến lễ hội, di tích phải đeo khẩu trang.
Để phòng chống Covid-19, hàng loạt lễ hội lớn tại Ninh Bình cũng dừng như Bái Đính, Hoa Lư... Những lễ hội đã tổ chức phải giảm quy mô, thời gian, hoạt động.