Bạn có bao giờ thấy mình đang bùng cháy vì yêu? Nếu có thì bạn có nghĩ rằng ngọn lửa ấy sẽ nhanh chóng tàn thôi?
Gặp nhau bao nhiêu cho đủ?
Hẳn là khi mới yêu thì lúc nào bạn cũng muốn ở bên người yêu mình rồi và việc tiết chế điều đó hầu như là không thể. Ấy vậy mà các nhà khoa học, những người luôn đưa ra các số liệu, thậm chí cho tình yêu lại khuyên rằng yêu đương mà cứ sôi sục thời kỳ đầu thì tình yêu của bạn có thể không bền đâu nhé.
Tất nhiên bạn mong muốn một đam mê và muốn được cháy hết mình khi yêu, “thế mới gọi là tình yêu chứ!”, bạn có thể nói như vậy. Nhưng rồi thời gian và hôn nhân lại khiên cho sự sôi sục ấy tắt đi rất nhanh.
“Hãy tưởng tượng tình yêu của bạn là một cây gỗ đang cháy. Thời gian cháy của nó là 40 năm nhưng rồi gỗ quá khô, lửa quá mạnh và rồi chưa đến 4 năm, cây gỗ tình yêu ấy cháy cạn”, TS Bianaca P. Acevedo, đại học Stony Brook, Mỹ ví dụ về một tình yêu dễ tàn lụi.
Câu nói tưởng như đã xưa cũ của các cụ “Vợ chồng tương kính như tân” trong trường hợp này lại được các nhà tâm lý khuyên dùng. Có khi nào bạn cố dằn lòng, đừng gặp người yêu hôm nay, hãy để sự nhớ nhung có chỗ thở và rồi ngày kia, bạn gặp người yêu, nói với cô ấy rằng bạn đã làm những gì ngày hôm qua, khi hai người không gặp nhau.
Điều tưởng lãng nhách đó sẽ nuôi cho ngọn lửa của hai người lâu tàn. Con người là sinh vật tham lam nhưng chóng chán. Làm cách nào để giữ cho ngọn lửa ấy cháy mãi đây? Có một cách mà các nhà tâm lý khuyên dùng, để ngọn lửa cháy âm ỉ.
Nuôi ngọn lửa âm ỉ bằng sự lãng mạn
Theo ThS Tâm lý Nguyễn Bá Đạt, giảng viên khoa Tâm lý trường ĐHKHXHNV, cán bộ tư vấn tâm lý của đường dây tư vấn trẻ em và gia đình tổng đài 1088, bạn hoàn toàn có thể duy trì một tình yêu đẹp và lãng mạn cả đời nếu biết giữ cho ngọn lửa âm ỉ cháy,
“Từ cử chỉ nắm tay nhau, đi bên nhau hay yêu nhau, tình yêu đó cũng để lại dư vị rất lâu cho người trong cuộc. Ngọn lửa này cháy âm ỉ hơn nhưng bền hơn. Cái bền lâu đó có được là do những cử chỉ lãng mạn được phân đều ra trong cuộc sống, dư vị tình yêu khiến họ lúc nào cũng cảm thấy ngọt ngào, muốn được bồi đắp thêm và không thấy sợ hãi”.
ThS Bá Đạt cho biết đã từng tư vấn cho rất nhiều cặp đôi ban đầu sôi sục, sau thì lạnh nhạt với nhau. Cảm giác ban đầu nhanh chóng qua đi và sự đam mê tàn lụi.Anh khuyến nghị rằng, mặc dù kiểm soát tình cảm là điều khó nhưng những cặp đôi tỉnh táo hoàn toàn có thể hướng cuộc sống đến một sự lãng mạn dài hạn. Sự lãng mạn khác với cảm giác sôi sục và chiếm hữu mà nhiều cặp đôi mới yêu nhau cảm thấy. Sự lãng mạn bao giờ cũng hàm chứa những yếu tố nhẹ nhàng và thấu hiểu: đối phương của mình thực sự cần gì.
Các cô gái đừng vội buồn nếu thấy người yêu của... hàng xóm ngày nào cũng đến còn người yêu mình tuần chỉ đến được hai lần. Rất có thể về lâu dài, tình yêu của bạn sẽ tuyệt vời hơn của hàng xóm đấy.
Theo Afamily