Chênh lệch tuổi hưu nam/nữ - "nhìn quanh" chỉ còn Việt Nam
Theo bản tài liệu “Các số liệu về giới” mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa thực hiện, thì ngay từ những năm 1960 của thế kỷ trước, pháp luật về lao động của Việt Nam đã quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau đối với nam giới và phụ nữ (55 đối với nữ và 60 đối với nam). Nhận thấy việc quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau giữa nam và nữ sẽ gây ra những cản trở đối với sự nghiệp của phụ nữ và do đó cũng làm giảm tiền lương và bảo hiểm hưu trí, nên nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Đông Á nói riêng đã san bằng khoảng cách. Đến nay, khoảng 80% các nước quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới như nhau.
Ở hầu hết các quốc gia không có sự phân biệt về độ tuổi nghỉ hưu đối với nam và nữ, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Lào thay đổi quy định về tuổi nghỉ hưu từ năm 2015, theo đó, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ là 60 tuổi, tuy nhiên, nữ có thể nghỉ hưu sau 55 tuổi nếu có nhu cầu. Tuổi nghỉ hưu tại Campuchia thay đổi từ năm 2012, nam và nữ cùng nghỉ hưu ở tuổi 60, thời gian làm việc đủ 25 năm. Singapore là nước quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động cao nhất trong khu vực là 62 tuổi đối với cả nam và nữ.
Tại thời điểm này, ở vùng các quốc gia Đông Á, chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc là quy định tuổi nghỉ hưu của nữ thấp hơn. Trong đó, Việt Nam quy định cứng nam nghỉ hưu tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55 (cho phép nghỉ hưu sớm có điều kiện tối đa 5 năm, với trường hợp suy giảm khả năng lao động 61% trở lên là 10 năm); còn Trung Quốc quy định tuổi nghỉ hưu 60 cho nam giới, từ 50-60 cho phụ nữ (cho phép phụ nữ nghỉ hưu sớm có điều kiện ở tuổi 45).
Theo nhận định của Hội LHPN Việt Nam, quy định tuổi nghỉ hưu có khoảng cách giữa nam và nữ tạo ra sự khác biệt về lương hưu giữa phụ nữ và nam giới. Vì thời gian làm việc ngắn hơn nên lương trung bình trước khi nghỉ hưu của nữ giới chỉ bằng 87% của nam giới và lương hưu của nữ giới thấp hơn nam giới. Việc hưởng mức lương hưu thấp và tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới nên đa số phụ nữ cao tuổi bị sống phụ thuộc. Chính vì thế, pháp luật Việt Nam cần có quy định tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ không những là phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, mà còn đảm bảo cho phụ nữ không bị thiệt thòi về quyền được sống đảm bảo.
Làm ít, lương hưu thấp, sống phụ thuộc – cần gỡ vòng luẩn quẩn
Như đã nói trên, vì quy định tuổi nghỉ hưu có khoảng cách giữa nam và nữ tạo ra sự khác biệt về lương hưu giữa phụ nữ và nam giới. Mấy ngày nay, dư luận xã hội nhất là cánh chị em đang sục sôi vì câu chuyện bị giảm lương hưu từ ngày 1/1/2018. Trước nay lương hưu của phụ nữ được xác định từ Luật BHXH năm 2006. Theo đó, cả nam và nữ sau 15 năm công tác được nghỉ hưu thì được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân lương đóng BHXH. Năm thứ 16 trở đi, mỗi năm công tác nam được cộng thêm 2% cho đến đạt tối đa 75%. Nữ thì được ưu tiên từ năm công tác thứ 16 trở đi được cộng 3% đến 25 năm công tác được hưởng 75%.
Đây là chính sách có tính chất ưu đãi cho phụ nữ vì tuổi hưu của phụ nữ sớm hơn. Đến Luật BHXH năm 2014, Chính phủ đề xuất quay trở lại để bình đẳng giữa nam và nữ thì từ năm 16 trở đi, nam vẫn được cộng thêm 2% như luật cũ. Còn nữ thì giảm từ 3% xuống 2%. Như vậy, người nghỉ hưu là phụ nữ từ 1/1/2018 trở đi, nếu đóng BHXH đủ 25 năm và đủ điều kiện nghỉ hưu thì tổng tiền lương hưu chỉ đạt có 65% mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH. Như vậy có thể hiểu rằng, chỉ “sau 1 đêm” lao động nữ có thể mất tới 10% lương hưu so với cách tính của Luật BHXH năm 2006. Cụ thể, lao động nữ đóng BHXH 25 năm và nghỉ hưu ngày 31/12/2017 sẽ được hưởng 75%. Nhưng với chính lao động đó, nghỉ hưu sau 1 ngày, từ 1/1/2018, thì tỷ lệ lương hưu họ được hưởng chỉ còn 65%.
Nói về vấn đề này bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn, Hội LHPNVN đã có phát biểu và ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan liên quan để đảm bảo sự bình đẳng trong quyền lợi giữa nam và nữ khi nghỉ hưu”, Trả lời báo chí bên lề phiên họp Quốc hội đang diễn ra, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định: “Tính ra, phụ nữ bị giảm đột ngột mất 10%, là có sự thiệt thòi” .
Được biết, ngày 3/11, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ quy định tại Luật BHXH năm 2014. Trước đó, ngày 2/11, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi Bộ LĐ,TB&XH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ LĐ,TB&XH cân nhắc thêm phương án cho phép thay đổi dần trong 5 năm bắt đầu từ ngày 1/1/2018 như công thức tính lương hưu đối với lao động nam để vừa đảm bảo thực thi pháp luật, vừa đáp ứng các ưu điểm của Luật BHXH.
Để đưa ra được quyết định dừng hay thực hiện theo lộ trình khoản 2 Điều 56 Luật BHXH, theo quy trình chung, sau khi Chính phủ thống nhất phương án sẽ báo cáo Quốc hội và Quốc hội sẽ quyết định.