Cuộc tranh luận về chọn hoa nào làm Quốc hoa Việt Nam đang nóng trên mọi diễn đàn, cả báo chí lẫn trong người dân. Theo thông tin đến thời điểm này thì đa số mọi người được hỏi đều chọn hoa Sen. Người ta đưa ra con số làm cơ sở là thống kê ý kiến thăm dò tại một trang web (không biết là trang web nào?) thì tỷ lệ chọn hoa Sen là quá bán. Điều đó nói lên rằng cuộc tranh luận hiện nay vẫn vô cùng nóng và bất phân thắng bại và cần có sự cân nhắc kỹ càng để đi đến kết luận cuối cùng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục đăng tải một số ý kiến về vấn đề này, sau đây là bài viết của nhà văn Hoàng Thái Sơn. Hoa sen - Không sợ "đụng hàng"! Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu đang rộ lên trong dư luận nên chọn cái gì làm biểu trưng cho đất nước Việt Nam. Riêng Hoa, có tới mấy thứ. Chọn hoa gì cho thật xứng đáng? Thống kê ý kiến tại một tổ chức thăm dò gần đây như sau: hoa Sen: 68,9%, hoa Đào: 6,5%; hoa Mai: 11,5%; Tre: 4,8%; hoa Ban: 0,8%; hoa Cau: 4%; hoa Lan: 1,3% (ý kiến khác – trong đó có hoa Lúa 2,2%). Dư luận nói chung thích hoa Sen. Vậy nhưng các vị trong hội đồng chấm chọn nào đó băn khoăn, là Sen thì một số nước như Ấn Độ, Sri Lanka… đã chọn rồi, ta đừng “đụng hàng”! Thế rồi người ta dự định chọn hoa khác, như hoa Lúa chẳng hạn. Rằng Lúa gắn bó với nền nông nghiệp Việt Nam ngàn đời nay, rồi chúng ta đang xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới số lượng lớn, rất uy tín (vậy xin mách các vị, café của ta cũng xuất khẩu mạnh lắm đó, các vị nên cân nhắc cái "anh" hoa café thử)…
Mấy ngàn năm người dân ta sống thác với hoa Sen, đâu có giản đơn? Cho nên chỉ chọn hoa Sen mới thực sự đúng khi chọn loài hoa chứa đựng hồn thiêng đất nước làm biểu trưng. |
Họ cho rằng số đông chọn hoa Sen, nhưng nhắc mọi người không phải lúc nào số đông cũng đúng! Không ai chối cãi điều hiển nhiên này trong khoa học, nhưng mà trong cái sự chọn hoa mang tâm hồn Việt, thì nên chọn hoa Sen; không phải đúng vì số đông chọn lựa, mà đúng vì một lẽ rất chính xác, dễ hiểu, bởi đó là… hoa Sen! Thế thôi. Nếu hỏi một nhà bác học, một Việt kiều nơi xa xứ, một em bé, một bà cụ không biết chữ, mù loà, cũng đều trả lời ngay như vậy. Có thể có người hỏi về một loài hoa nào đó, vì chưa biết kĩ, nên phải giải thích; riêng hoa Sen thì không ai lạ gì nữa. Nhưng lỡ ai đó còn hỏi hoa Sen là hoa gì chẳng hạn; ta chỉ cần trả lời “Hoa Sen là hoa Sen”. Về chuyện này, tôi bật cười, chợt nhớ lại một cuộc tranh luận hồi đầu thế kỉ trước: Nguyễn Du là gì? Nhiều ý kiến phát biểu, lí lẽ hùng hồn, sắc bén, lí luận đầy mình, nhưng đúng nhất, chỉ là ý kiến “Nguyễn Du là… Nguyễn Du!”. Mọi giải thích, cắt nghĩa ở đây đều thừa. Với hoa Sen cũng vậy, đừng bàn nhiều, rất thừa; và càng thừa, lại sinh ra… thiếu! Sợ “đụng hàng” với thiên hạ? Không sợ. Ta có “nhập cảng” hoa sen đâu mà lo. Chẳng phải bất kể chuyện gì hễ cứ đi sau là học người đi trước. Thiên hạ có Sen, ta có Sen, và Sen ta mọc trên đất ta, mọc từ thời đất nước này mới tượng hình (Trên mặt trống Đồng thời Hùng vương chẳng phải có hình vẽ hoa Sen là gì?). Sen chẳng độc quyền của riêng ai. Hội đồng bình chọn hẳn cũng biết rất nhiều hội đồng trên đời làm trật nhiều chuyện. Những cái trật ấy có thứ ít tai hại, kể cả hội đồng xét giải Nobel hàng năm, có khi làm trật, nhưng thực ra, cũng không ảnh hưởng mấy. Riêng hội đồng xét chọn Quốc hoa cho Việt Nam mà lỡ sai, thì e rằng Quốc hoa biến thành… “Quốc hoạ”! Có những khi lí sự quá sinh không hay. Chân lí vốn đơn giản, tuy không hề giản đơn. Chọn hoa Sen làm quốc hoa, là không giản đơn, bởi hoa Sen với người dân Việt, không nói, thì thiên hạ cũng biết là máu thịt rồi, gắn bó xưa nay rồi. Mấy ngàn năm người dân ta sống thác với hoa Sen, đâu có giản đơn? Cho nên chỉ chọn hoa Sen mới thực sự đúng khi chọn loài hoa chứa đựng hồn thiêng đất nước làm biểu trưng. Không bày ra thì thôi; nếu bày chuyện bình chọn Quốc hoa, mà bỏ qua hoa Sen, thì chẳng phụ lòng dân tộc ngàn năm nay lắm sao? Rồi đó e rằng sẽ là chuyện “Lặng bằng ao, động bằng biển” vậy!
Theo Nhà văn Hoàng Thái Sơn
VTC News
VTC News