Bởi theo Khảo sát của RED, một số tòa soạn, đặc biệt là các tòa soạn nhỏ vẫn chưa dành sự quan tâm đầy đủ và phù hợp cho việc hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng và điều kiện tác nghiệp an toàn cho phóng viên, đặc biệt là nhóm phóng viên trẻ, khiến họ lúng túng, dễ mắc lỗi về nghiệp vụ, kiến thức, gây ấn tượng không tốt khi tác nghiệp và có thể cả vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Cũng theo nhà báo Thuận Hải, hầu như hơn 90% số vụ việc tấn công, cản trở nhà báo được thống kê là không bị xử lý hoặc “chìm xuồng”. Đây là nguyên nhân làm cho các nhà báo bị cản trở, hành hung thấy “bơ vơ” trong hoạn nạn. Họ phải tìm đến các mối quan hệ thân quen; đồng nghiệp để theo đuổi sự trừng phạt từ pháp luật hoặc nhận “đền bù” vật chất từ bên gây ra lỗi.
“Cách giải quyết này, có thể, thỏa mãn cho từng cá nhân, nhưng để lại dư luận và tâm lý rất bất lợi cho đội ngũ các nhà báo nói riêng và môi trường hoạt động báo chí nói chung. Bởi, những cơ quan, cá nhân có xác suất tiếp xúc với nhà báo cao sẽ định hình được cách ứng xử theo nguyên tắc “đánh trước, đàm (phán) sau” – ông Hải cảnh báo.
Do đó, các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm, quyền tác nghiệp của nhà báo với tư cách là “người làm công việc vì lợi ích công”. Thủ tục tiếp nhận đơn thư tố cáo, khiếu nại của các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra chuyên ngành cũng như quy trình giải quyết cần quyết liệt, minh bạch và triệt để hơn.