Bởi vậy, trước làn sóng người lao động di cư ngày càng tăng, cần thiết phải xây dựng khung chính sách và pháp luật nhằm phát huy những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của lao động di cư, đồng thời hạn chế thấp nhất những rủi ro và thương tổn xã hội mà họ phải đối mặt.
Số lượng tăng và khó khăn cũng tăng
Số người di cư giữa các tỉnh tăng từ 1,3 triệu người năm 1989 lên 2 triệu người năm 1999 và lên tới 3,4 triệu người năm 2009. Dự báo sẽ có tới 5 triệu người di cư từ nông thôn ra thành thị vào năm 2019, chiếm khoảng 5% dân số theo Tổng cục Thống kê. Kết quả Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 cho thấy, 17,3% dân số ở độ tuổi từ 15-19 trong cả nước là người di cư. Các cuộc điều tra di cư đều cho thấy nữ giới chiếm tỷ lệ di cư ngày càng cao (hiện tượng nữ hóa di cư) chiếm 42% năm 1989, 50% năm 1999, 54% năm 2013.
Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của người di cư tương đối thấp: 15,7% số lao động có trình độ từ THPT trở lên, trên 90% không có bất kỳ chứng chỉ tay nghề nào. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống xa nhà như: mức phí sinh hoạt cao, môi trường sống không bảo đảm an ninh, điều kiện sống không đảm bảo; ít tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tại nơi đến; có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người, bóc lột sức lao động, nạn nhân của bạo lực, tệ nạn xã hội…
Trong lĩnh vực y tế, 79,2% người lao động di cư cho rằng họ khó tiếp cận với các bệnh viện công. Tìm hiểu về tiếp cận an sinh xã hội của người lao động nhập cư từ nông thôn tại hai thành phố lớn cho thấy số gia đình chỉ có trẻ em hưởng BHYT còn cha mẹ không có chiếm tỷ lệ áp đảo, ở Hải Phòng là 79,9% và thành phố Hồ Chí Minh là 73,4%.
Bên cạnh đó, hầu hết chính quyền địa phương chưa đưa chú trọng đưa người di cư vào phạm vi quản lý và hỗ trợ 90% thế nên họ khó tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội và các chính sách công tại nơi đến, theo nhận định của tổ chức ActionAid. Đặc biệt với lao động di cư nữ, chất lượng cuộc sống và quyền của người lao động không được đảm bảo, hơn 80% lao động di cư có đem theo con nhưng không có chính sách riêng biệt về y tế và giáo dục dành cho các con của lao động di cư. Điều tra ở quận Gò Vấp, TP HCM cho thấy chỉ có 14,3% con cái gia đình lao động nhập cư tạm thời được trợ cấp sách giáo khoa, trong khi ở quận Dương Kinh, Hải Phòng tỷ lệ này là 2,2%...
Cần định nghĩa chung về bảo trợ xã hội
Trước làn sóng người lao động di cư ngày càng tăng, cần thiết phải xây dựng khung chính sách và pháp luật nhằm phát huy những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của lao động di cư, đồng thời hạn chế thấp nhất những rủi ro và thương tổn xã hội mà họ phải đối mặt.
PGS.TS Nguyễn Hữu Chí – Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội: “Việc tiếp cận xã hội của người di cư như dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, việc làm, trợ giúp xã hội... nhìn chung không có sự khác biệt nhưng đâu đó vẫn tồn tại những rào cản dẫn đến ít, nhiều khó khăn khi tiếp cận của người lao động di cư, trong đó đặc biệt là dịch vụ việc làm vì đây là mối quan tâm hàng đầu của người lao động di cư”.
Tại hội thảo khoa học “Vấn đề pháp luật đặt ra với lao động di cư – Kinh nghiệm Việt Nam và Trung Quốc”, bàn về thực trạng pháp luật hiện hành về bảo trợ xã hội đối với lao động di cư từ nông thôn ra thành thị ở Việt Nam, TS. Đỗ Thị Dung, giảng viên chính Bộ môn Luật Lao động Khoa Pháp luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội cho rằng: Pháp luật bảo trợ xã hội Việt Nam hiện hành đối với lao động di cư từ nông thôn ra thành thị chủ yếu điều chỉnh quan hệ bảo trợ xã hội/trợ giúp xã hội do nhà nước thực hiện với các nội dung chính như: đối tượng bảo trợ xã hội; các chế độ trợ cấp, hỗ trợ; thủ tục thực hiện và nguồn tài chính đảm bảo thực hiện.
Phân tích về nguồn tài chính thực hiện, TS. Đỗ Thị Dung cho rằng các quy định hiện nay về nguồn tài chính thực hiện bảo trợ xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội chủ yếu tập trung vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, ngân sách nhà nước của nước ta hiện nay rất khó khăN, không đủ để đảm bảo thực hiện các nhu cầu trợ giúp xã hội cho tất cả các đối tượng theo quy định của pháp luật. Điển hình là phải đến ngày 1/7/2016 Nhà nước mới có đủ nguồn ngân sách để thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội theo Nghị định 136 từ năm 2013 mặc dù nghị định này có hiệu lực từ đầu năm 2014...
Vì thế, TS. Đỗ Thị Dung đã đặt ra một số vấn đề pháp lý, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa chung, thống nhất về bảo trợ xã hội. Bởi vậy, pháp luật cần xây dựng định nghĩa chung về bảo trợ xã hội theo hướng mở rộng đối tượng hưởng bao gồm các đối tượng yếu thế trong xã hội gặp rủi ro hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đó, pháp luật cũng chưa có quy định riêng về bảo trợ xã hội đối với lao động di cư từ nông thôn ra thành thị. Điều đó làm hạn chế quyền được hưởng bảo trợ xã hội của họ. Vì thế, cần có những quy định riêng về bảo trợ xã hội đối với lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, đặc biệt chú trọng nhóm lao động nữ và lao động trẻ em.
Cũng theo TS. Đỗ Thị Dung, chế độ bảo trợ xã hội hiện hành đối với lao động di cư chưa đầy đủ và hoàn thiện. Hiện hành, chế độ bảo trợ xã hội đối với lao động di cư từ nông thôn ra thành thị được quy định chung trong các nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. Theo đó, khi lao động di cư đủ điều kiện thì được hưởng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trong các chế độ được hưởng, pháp luật chưa chú trọng các chế độ nhằm đảm bảo lâu dài việc làm, thu nhập và chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Bởi vậy pháp luật cần xem xét bổ sung chế độ hỗ trợ việc làm, phát triển sản xuất đối với lao động di cư khi bị mất phương tiện, tư liệu sản xuất chính do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác bị mất việc làm.
TS. Đỗ Thị Dung - Bộ môn Luật Lao động Khoa Pháp luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội : “Pháp luật cần bổ sung chế độ hỗ trợ về nhà ở cho lao động di cư. Cụ thể là ngoài việc họ được ưu tiên mua nhà xã hội, nhà của người có thu nhập thấp, họ cũng có thể được hưởng chế độ nếu họ có nhà ở bị hỏng nặng, cháy, trôi, sập, đổ do thiên tai. Theo quy định hiện nay, lao động di cư được hưởng chế độ này khi có nhà ở nông thôn (nơi thường trú) bị hỏng nặng, cháy, trôi, sập, đổ và phải có xác nhận tại địa phương thì mới được hưởng quyền lợi. Như vậy, trường hợp lao động di cư từ nông thôn ra thành thị nếu có nhà ở mà nhà ở đó rơi vào các trường hợp trên thì không được hỗ trợ. Vì thế, pháp luật cần quy định cụ thể vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi về nhà ở cho lao động di cư”.