Ở góc độ khoa học về con người, cảm xúc là một món quà vô giá mà thượng đế đã ban tặng cho riêng loài người. Cảm xúc luôn có một sức mạnh to lớn đối với các lựa chọn và hành động của mỗi chúng ta. Ấy vậy, không phải ai cũng có thể thấu hiểu cũng như kiểm soát được những cung bậc này. Và khi đó, mỗi người đều có thể trở thành chủ nhân hoặc nô lệ cho chúng.
Khi bạn làm nô lệ cho cảm xúc của mình, những cung bậc này có thể thúc đẩy bạn làm những việc thực sự tiêu cực và sẽ phá hoại chính con người bạn. Chẳng hạn như khi bạn cảm thấy tức giận trong một cuộc tranh cãi gay gắt và sau đó, cảm xúc sẽ “dẫn lối” bạn trả đũa bằng những lời lăng mạ hoặc gây hấn. Nếu khi một người có thể làm chủ được cảm xúc của mình, thì họ sẽ được thúc đẩy để làm những điều tích cực và mang tính xây dựng. Đơn giản như khi được truyền cảm hứng từ một nhân vật có tầm ảnh hưởng, thì bạn sẽ muốn bắt tay ngay làm một cái gì đó thật sáng tạo và độc đáo.
“Cái bẫy” cảm xúc không dễ chịu chút nào
Ấy vậy mà đó không phải là một điều dễ dàng khi không phải ai cũng có thể làm chủ được cảm xúc. Một số người, như tôi, đã thực sự rơi vào “cái bẫy” của cảm xúc. Và để rồi cứ dần mất đi sự kiểm soát của bản thân, cuối cùng thì đã đánh mất chính mình.
Tôi – một cô gái mới bước qua tuổi 16, đã có những ngày tháng suy sụp, lạc lõng trong “mê cung” của cảm xúc như thế đó. Có lẽ câu chuyện nên được bắt đầu từ những tháng ngày học cấp ba hồn nhiên và trong sáng. Đối với nhiều người, quãng thời gian còn là học sinh thật đẹp, nhưng đối với tôi, đó thực sự là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Áp lực từ việc học hành, mối quan hệ giữa những người bạn mới quen khiến tôi buông thả cảm xúc của mình và bị nó điều khiển. Tôi đã từng đặt câu hỏi tôi là ai và có cần thiết sống ở đời này không? Tôi đã từng thử hủy hoại bạn thân mình, tuy chỉ bằng hành động rất nhỏ…
Nhưng, thật may mắn, ở thời điểm đó, tôi đã luôn có gia đình ở bên để kéo tôi ra khỏi “vũng lầy” của sự tiêu cực. Đúng là thật sự rất khó để đối mặt với quá khứ đã khiến chúng ta cảm thấy đau lòng, vậy nên tôi chọn cách khép lại trang sách đó và chỉ giữ lại bên mình những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi học trò.
Rời xa gia đình và Hà Nội thân thương, tôi lên đường đi du học ở cái tuổi hết trẻ con nhưng chưa người lớn. Nhiều người hay nói du học có nhiều thứ đáng sợ lắm: sợ bị đuổi học, sợ không kiếm được việc sau khi tốt nghiệp, sợ tốn tiền của bố mẹ, sợ rào cản ngôn ngữ hay sốc văn hóa…
Thế nhưng, ở một đất nước xa xôi, khi tất cả mọi điều từ bữa ăn, giấc ngủ đến những chuyện học tập cũng như các thủ tục hành chính quan trọng bạn đều phải tự lo cho chính bản thân thì chẳng còn điều gì có thể quật ngã bạn được nữa. Với tôi, sau 3 năm cô đơn và vất vả nơi xứ người, tôi lại nghiệm được một điều: Đi du học, điều đáng sợ nhất là bạn không thể trở về nhà kịp lúc, sợ rằng khi về rồi bạn chỉ còn lại nỗi cô đơn và trống trải. Mọi câu chuyện buồn đi qua đều để lại cho mỗi chúng ta những suy nghĩ và sự ám ảnh. Tôi vẫn còn nhớ mình đã ôm thật chặt bố mẹ ở sân bay như thế nào và chỉ vội dặn họ đừng bỏ mình rồi lại lên đường quay trở lại xứ người.
Việc du học không phải là một trải nghiệm dễ dàng như nhiều người thường nghĩ. Ở nước ngoài cũng không phải là chốn thiên đường. Việc học bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ, hay việc làm quen với cách tư duy mới luôn là một trong những rào cản lớn. Nhưng với tôi, việc lên kế hoạch để đảm bảo mình có thể hoàn thành tốt tất cả mọi điều trong vòng 24 tiếng ngắn ngủi có lẽ là khó hơn cả.
Nhưng quản trị cảm xúc cũng dễ khiến người ta vô cảm
Đó là mặt trái của việc quản trị được cảm xúc. Khi mọi việc đã sắp xếp chi tiết cụ thể thì bạn sẽ giống như một cỗ máy như bao người khác của thời đại công nghiệp hóa này. Thứ được dùng để đánh đổi cho sự phát triển kinh tế công nghệ vượt bậc thì đó có lẽ là cảm xúc của con người. Vì giờ đây, chúng ta, ai cũng như ai với một vòng tuần tự quen thuộc của công việc – mạng xã hội – mối quan hệ.
Chúng ta bị cuốn mình theo đó và quên đi mất rằng mình đã từng ước mơ những gì, khao khát được làm gì. Cuộc sống hiện đại khiến cho con người trở nên vô cảm với chính mình. Để rồi, khi một sự việc xảy ra, con người thường có xu hướng bùng nổ dữ dội vì họ cho rằng mình có quyền được làm như vậy hoặc sẽ lựa chọn thu mình lại…
Những năm trở lại đây, trầm cảm là căn bệnh ngày càng được nhắc đến nhiều. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, vì họ cho rằng trầm cảm phải lại một thứ bệnh gì đó nghiêm trọng lắm. Nhưng việc thường xuyên làm việc căng thẳng, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiệt độ tăng cao thì cảm xúc của con người rất dễ bị kích động, rồi lại chuyển sang trạng thái vô cảm nếu bị kìm nén quá đà, lâu dần khi không còn cân bằng lại được thì chúng ta sẽ mắc căn bệnh trầm cảm.
Và khi đó, mỗi chúng ta hãy tìm kiếm sự giúp đỡ trước khi bị lạc trong cảm xúc của chính mình. Việc đặt ra một chế độ sinh hoạt hợp lý, cân bằng trong công việc, hoạt động và có những góc nhìn, suy nghĩ cởi mở, tích cực hơn là những biện pháp thiết yếu giúp giảm thiểu và phòng tránh việc bạn bị lạc trong chính những hỗn độn của cảm xúc và bị trói buộc để trở thành nô lệ của nó.
Vì cuộc đời vốn dĩ đã rất ngắn rồi nên hãy sống chứ đừng tồn tại. Sau tất cả thì mọi chuyện đều sẽ ổn thôi!