Đứa bé được sinh ta không chỉ là con cưng của hai vợ chồng, mà còn là cục vàng của đại gia đình nữa. Nhiều nàng dâu vì thế mà dung con để ‘trị’ mẹ chồng.
Hình chỉ mang tính minh họa |
Không “biết điều” thì đừng bế cháu
Gần đây, có người hỏi thăm về bà mẹ chồng khó tính, hay xét nét con dâu, Minh hùng hồn bảo: “Giờ thì bà ấy đố dám láo với tớ. Láo là hết bế cháu ngay”.
Mẹ chồng Minh sinh 5 đứa con, trong đó có 2 con trai. Chú út lấy vợ trước, nhưng đẻ 2 lần được 3 em bé đều là gái. Minh cưới sau nhưng là dâu trưởng, ở chung với mẹ chồng, gánh vác nhiệm vụ chính trong gia đình, nên lẽ thường tình cũng bị mẹ chồng săm soi nhiều hơn. Dù Minh rất cố gắng nhưng gần như chẳng chuyện gì chị làm hoàn toàn đúng ý bà. Dường như bà cố tình “dìm hàng” con dâu, làm tốt đến mấy cũng chê là dở, theo lời bà là để nàng dâu nhanh tiến bộ hơn.
Mẹ chồng lại còn rất hay góp ý các việc riêng của Minh, mà thực ra là áp đặt. Minh dán xe máy màu xanh ngọc vì màu đó hợp với mạng chị thì bà bảo sao không dán màu đỏ, đỏ mới đẹp, rồi cứ nói ra nói vào, cằn nhằn mãi.
Sau hôm Minh bị ngã, xe hỏng và trầy trụa, đành lấy xe chồng làm để đi làm. Khi về nhà, thấy xe của mình đã dán lại màu đỏ, chị biết ngay mẹ chồng quyết tâm can thiệp, tức nhưng chẳng dám nói gì. “Đến cái quần lót của tôi, bà cũng khăng khăng bảo phải mua loại quần cotton to đùng như của bà cho mát, chứ những cái tôi mua vừa lẳng lơ vừa dễ sinh bệnh, lần nào thu quần áo cũng nói thế, điên hết cả người”, Minh nói.
Giờ thì chuyện chịu nhịn mẹ chồng đã trở thành dĩ vãng, kể từ khi Minh sinh được thằng cu. Mẹ chồng như bắt được vàng, lập tức thái độ với Minh cũng thay đổi, chuyển sang cảm kích và vì nể.
Bắt ngay tâm lý đó, nàng dâu cũng quay ngoắt 180 độ, không còn cố nén cục tức trong cổ để vừa lòng mẹ chồng nữa. Chị làm những gì mình thích, đưa ra các đòi hỏi… và nếu mẹ chồng làm khó dễ, lập tức chị giữ rịt con, đóng chặt cửa, hoặc mang con về nhà ngoại chơi vài ngày.
Mẹ chồng nhớ cháu, thèm cháu phát cuồng, lập tức xuống nước. Giờ thì bà chỉ sợ con dâu phật ý, không cho gần gũi thằng cháu đích tôn, khiến nó không theo bà, không yêu thương tình cảm với bà thì bà buồn chết mất.
Vũ khí để “trả thù” mẹ chồng
Khi bác sĩ siêu âm tiết lộ rằng đứa trẻ trong bụng “giống bố”, chị Xuân đã cười thầm, vì đó là điều chị mong đợi. Chị biết mẹ chồng khát khao đứa cháu đích tôn như thế nào. Có nó, “tương quan lực lượng” sẽ thay đổi, chị sẽ trả lại bà những cay cực mình phải chịu đựng lâu nay.
Nói Xuân không được lòng mẹ chồng còn là nhẹ. Thực ra, bà chưa một ngày coi chị là con dâu, chỉ vì chị đã là gái quê, con nhà nông thì chớ, lại còn nhiều hơn con bà 4 tuổi.
Bà chống lại cuộc hôn nhân này đến cùng, và dù cuối cùng anh chị vẫn lấy nhau, mẹ chồng vẫn không bao giờ thừa nhận chị. Sau đám cưới, bà chuyển sang ở nhà con gái ngay bên cạnh. Vì nhà sát vách nên tuy ở riêng, Xuân vẫn bị mẹ chồng giám sát từ sáng đến tối, và dành cho không biết bao nhiêu lời cạnh khóe, rỉa rói.
Mẹ chồng luôn ra sức phá đám, chia rẽ vợ chồng Xuân, dù họ cưới nhau đã 2 năm. Hễ hôm nào biết nàng dâu kỳ công nấu một bữa tươi cho chồng là y như rằng, bà gọi bằng được con trai sang ăn cơm, và dĩ nhiên là chỉ con trai thôi, Xuân ngồi một mình bên mâm cơm thịnh soạn, chống đũa, nghe tiếng cười nói rộn ràng như cố ý vẳng sang từ nhà bên kia mà ứa nước mắt.
Mẹ chồng cũng rủ các cô gái đến chơi rồi gọi chồng Xuân sang nói chuyện, công khai xúi anh bỏ vợ để “lấy người xứng đáng hơn”, khiến nàng dâu tức ứa máu, nhưng cũng chỉ dám lôi chồng ra trút giận lúc đêm về.
Từ lúc biết Xuân có thai, thái độ của mẹ chồng thay đổi hẳn. Bà ngừng việc khủng bố tinh thần con dâu, đôi khi còn sang nhà hỏi han chuyện ăn uống, cứ dặn đi dặn lại Xuân là phải chịu khó ăn mặn thì mới đẻ được con trai, không chịu tin giới tính đứa bé đã được “quyết định” ngay từ lúc thụ thai rồi. Cách mấy ngày, bà lại hỏi đã siêu âm chưa, khi nào thì biết trai hay gái, rồi thì “mày chửa xấu thế chắc là trai đấy Xuân ạ”.
Từ đó, trong lòng Xuân nung nấu ý nghĩ, dù con thuộc giới tính nào, chị cũng yêu như nhau, nhưng nếu nó là trai, chị sẽ quyết hành hạ bà nội bằng cách không cho ôm ấp, chăm sóc đứa bé. Mẹ nó đã không được làm con dâu bà thì nó sao có thể là cháu bà được.
Chị Quy, 29 tuổi, cũng nung nấu khát khao trả đũa mẹ chồng khi mang thai. Quy không bị mẹ chồng cản trở hôn nhân, thậm chí đối xử khá tốt, nhưng sau mấy năm thấy hai người chưa có con, bà chuyển sang hắt hủi chị, mắng chị là “cây độc không trái”, tổ tiên ăn ở thất đức nên mới thành đàn bà “điếc”.
Hễ ai đến nhà, bà cũng đem chuyện vô sinh của chị ra để sỉ vả, kể tội, đồng thời loại chị ra khỏi mọi cuộc vui của đại gia đình. Hễ có tiệc tùng, bà xua mọi người lên ăn uống, mình chị nấu nướng, phục vụ rồi dọn rửa, và ăn sau cùng với… chó. Cả nhà về quê, chị không được về.
Quy đi khám nhiều lần và bác sĩ nói không có gì bất thường. Nhưng mẹ chồng dứt khoát đổ tội vô sinh cho chị và cấm con trai đi khám, cứ xui bỏ vợ đi lấy người khác. Sau đó, chồng Quy lén đến bác sĩ và bị phát hiện quá ít tinh trùng, về thông báo nhưng ban đầu bà vẫn ra vẻ không tin. Anh điều trị thêm mấy năm, chị mới có bầu. Nhìn mẹ chồng mừng rỡ đi lễ tạ khắp nơi, chị Quy tự nhủ, mình sẽ không để bà ấy đụng đến con mình, dù nó là trai hay gái.
Già néo đứt dây
Huyền, 26 tuổi, cũng lấy quyền làm mẹ để “dằn mặt” bà mẹ chồng yêu cháu, dù ai cũng cho rằng mẹ chồng chưa đến nỗi “đắc tội” gì với cô. Đơn giản chỉ là hai người khác nhau về quan điểm và lối sống mà thôi.
Huyền là gái thành phố, từ nhỏ chỉ biết học hành, kém nội trợ, mọi việc trong nhà đều thích phiên phiến. Mẹ chồng ở nông thôn lên, tính hay lam hay làm và rất cẩn thận, nên rất khó chịu với cô con dâu “chỉ thích chơi, không biết làm gì”. Bà cố gắng góp ý, hướng dẫn cho con dâu làm một người vợ đảm đang theo tiêu chuẩn của bà, nhưng rốt cục chỉ làm Huyền thấy khổ sở và cho là bị mẹ chồng bẻ hành bẻ tỏi, không được tự do.
Huyền thích tiện nghi nên không ngại vung tiền mua sắm, trong khi mẹ chồng lại rất tiết kiệm, nên ngay chuyện mua bán hay ăn uống trong nhà đã gây mâu thuẫn. Huyền rất “cay” vì chồng toàn bênh mẹ, lúc nào cũng bảo mẹ đúng rồi, mẹ chỉ muốn tốt cho em, sao không chịu khó học hỏi, vâng lời…
Khi sinh con đầu lòng, để “cho mẹ biết tay”, Huyền mặc bà làm tất cả mọi việc từ chợ búa, nấu nướng đến giặt giũ cho bé và cả nhà, nhưng lại ngăn cản mọi cơ hội để bà trực tiếp bế cháu. Hễ bà đụng đến cháu là cô lại kêu bế không đúng tư thế, rồi thì bà chưa rửa tay, chưa thay quần áo, nhỡ nó nhiễm khuẩn thì sao…
Cả chuyện pha sữa, rửa bình, pha nước tắm cho cháu, cô cũng hoạnh họe suốt ngày là không đúng kiểu, luôn luôn nhấn mạnh là “cách nuôi con khoa học ở thành phố không giống với kinh nghiệm dân gian ở nông thôn”… Mẹ chồng có nói, cô nhắc ngay rằng đứa bé là con cô, cô có quyền.
Một ngày, mẹ chồng bỏ về quê, thậm chí còn không cho con trai chở ra bến tàu, bảo rằng từ giờ có nhớ mẹ thì về quê thăm mẹ, chứ mẹ không bao giờ lên nữa. Huyền nghĩ: “Thế càng nhẹ nợ”. Nhưng cô bị chồng giận, suốt thời gian dài tình cảm với vợ cứ nhạt đi. Lại thêm không có mẹ chồng, bao nhiêu công việc đổ vào đầu, Huyền quay cuồng làm không nổi, thuê osin thì cứ dăm bữa nửa tháng lại bị họ bỏ hoặc dọa bỏ, khiến cô phải chiều osin còn gấp mấy chiều mẹ chồng.
Chồng Huyền bảo: “Giờ em đã thấy dại chưa? Thôi, chịu khó chăm gọi điện hỏi thăm mẹ đi, rồi một lúc nào đó anh nịnh mẹ lên giúp”. Huyền không nói gì, vì cô nghĩ chắc phải làm vậy thôi.
Theo Gia đình, Xzone