Suốt 11 năm qua, một nhóm gồm ít nhất 3 phần tử cực hữu người Đức đã sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mặc dù đã hành quyết dã man 10 người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tình trạng đó dấy lên những cáo buộc cho rằng giới chức an ninh Đức đã đánh giá thấp mối nguy hiểm tiềm tàng của các nhóm cực hữu tại nước này.
Uwe Böhnhardt, Uwe Mundlos và Beate Zschäpe. Ảnh De Spiegel |
Ba phần tử cực hữu, gồm 2 người đàn ông và một phụ nữ, bị cáo buộc đã bắn chết 8 người đàn ông nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ và một người Hy Lạp – những người làm kinh doanh nhỏ hoặc là chủ các nhà hàng đồ ăn nhanh trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2006.
Sự việc thường được nhắc tới với cái tên “Thảm sát Doner” – đề cập tới món bánh mỳ Döner Kebabs nổi tiếng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Các bằng chứng thu được từ các vụ thảm sát cho thấy, băng đảng sát nhân này có mối thù hằn sâu sắc với người nước ngoài khi thường xuyên bắn nhiều phát đạn vào mặt các nạn nhân.
Hai trong số những kẻ bị cáo buộc giết người, Uwe Böhnhardt, 34 tuổi và Uwe Mundlos, 38 tuổi, được phát hiện đã chết trong một ngôi nhà di động ở thị trấn Eisenach phía Đông nước Đức hồi tuần trước.
Nhà chức trách cho hay, nhiều khả năng 2 tên này đã tự tử sau một vụ cướp ngân hàng bất thành vào dịp cuối tuần. Beate Zschäpe – nghi phạm nữ duy nhất trong vụ thảm án - đã ra đầu thú và đã bị tạm giam.
Ngoài ra, Holger G. – bị tình nghi là đồng phạm của Beate cũng đã bị cảnh sát bắt giữ hôm 13/11 tại nhà riêng ở Hannover. Ngay sau khi phát hiện ra Böhnhardt và Mundlos, các điều tra viên đã tiến hành khám xét ngôi nhà mà 2 tên này ở cùng với Zschäpe ở thị trấn Zwickau.
Tại đây, họ đã tìm thấy những hung khí được sử dụng trong vụ “Thảm sát Doner” và trong vụ bắn chết một nữ cảnh sát ở thành phố Heilbronn, phía Nam nước Đức hồi năm 2007.
Quay lại những cảnh giết người dã man
Ngoài các hung khí nói trên, cảnh sát còn phát hiện một đoạn phim dài 15 phút đã được ghi sẵn trong một đĩa DVD để chuẩn bị gửi cho các tổ chức văn hóa Hồi giáo và giới truyền thông. Cuốn băng DVD ghi lại hình ảnh thi thể đầy máu của các nạn nhân và được dàn dựng trên nền bộ phim hoạt hình Điệp vụ Báo Hồng (Pink Panther) để “dẫn dắt” mô tả quá trình hành quyết các nạn nhân. Một phần trong đoạn phim được đặt tên “Chuyến du ngoạn Đức – 9 người Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn chết”.
Trong DVD, nhóm đối tượng trên tự xưng là “National Socialist Underground - NSU” (Tổ chức Quốc xã ngầm), chủ trương dùng “nguyên tắc cơ bản là hành động thay cho lời nói” trong hoạt động của mình.
Cảnh sát Đức cũng đã mở rộng cuộc điều tra về các hoạt động của băng nhóm trên, trong đó có vụ đánh bom hồi năm 2004 nhằm vào một khu người Thổ Nhĩ Kỳ ở Cologne, khiến 22 người bị thương.
Cùng với vụ đánh bom Cologne năm 2004, Ralf Jager – Bộ trưởng Nội vụ Westphalia nói rằng, kết quả phân tích đoạn DVD cũng cho thấy nhóm này có liên quan đến một vụ đánh bom khác chưa được làm sáng tỏ ở Cologne năm 2001, khiến một phụ nữ người Đức gốc Iran bị thương nặng.
Ngoài ra, theo các điều tra viên, nhóm này cũng có thể có liên quan đến vụ đánh bom nhằm vào một nhóm người Do Thái ở trạm xe điện ngầm Dusseldorf năm 2000, làm một đứa trẻ chưa ra đời thiệt mạng và vụ việc một cảnh sát viên có tư tưởng chống cực đoan ở Passau bị đâm nhiều nhát nhưng không chết 3 năm trước. Ngoài các vụ giết người, nhóm đối tượng này còn bị tình nghi đã thực hiện 14 vụ cướp ngân hàng khác.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một chiều hướng mới của chủ nghĩa khủng bố cực hữu” – Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich nói trong một buổi trả lời phỏng vấn hôm 14/11. Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel cho rằng “thật xấu hổ khi những hành vi này lại xảy ra ở nước Đức, đồng thời khẳng định “sẽ điều tra thấu đáo về vụ việc” để “trả nợ” cho những người đã mất đi mạng sống.
Vụ việc đã dấy lên những quan ngại về việc chính quyền Đức bảo vệ hàng triệu người dân nhập cư như thế nào khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phát xít vẫn tồn tại và có nguy cơ lan rộng cũng như những chỉ trích nặng nề đối với cơ quan tình báo nội địa Đức và Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp.
Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp khu vực Thuringia trở thành đối tượng được quan tâm đặc biệt do đã không giám sát chặt chẽ bộ ba đối tượng trên sau khi chúng bị phát hiện có quan hệ với tổ chức cực hữu Thuringia Homeland Protection từ những năm 1990.
Thanh Tùng (Theo De Spiegel, Telegraph)