Rạng sáng chủ nhật 18-7, trong khi chúng tôi ngồi ở tòa soạn viết bài báo này thì trên các tuyến đường Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP.HCM)... náo loạn bởi tiếng động cơ gầm rú đinh tai nhức óc của hàng trăm, thậm chí cả ngàn chiếc xe máy.
Trước đó, từ 22 giờ, hàng trăm thanh thiếu niên đã tụ tập và “ém quân” tại các điểm hẹn: công viên Gia Định, ngã tư Phan Xích Long - Hoa Sữa (khu chung cư Miếu Nổi, quận Phú Nhuận), đoạn đường mới mở từ Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm để “biểu dương lực lượng” trước khi mở màn cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Từ điểm xuất phát này, yêng hùng tỏa ra khắp các tuyến đường ở TP để đi “bão”.
Những cung đường “đen”
Theo hồ sơ của cảnh sát giao thông (CSGT), gần đây trên địa bàn TP đã có thêm nhiều điểm đen về nạn tổ chức đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, khu vực Q.Phú Nhuận, Bình Thạnh được xem là điểm nóng của nạn đua xe, quậy phá.
Đoàn xe cả ngàn chiếc gầm rú dữ dội trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Sơn Bình |
"Nếu sắp tới không có giải pháp kịp thời thì trò tiêu khiển nguy hiểm này sẽ phát triển thành tệ nạn" Thượng tá VÕ VĂN NHUẬN (trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM)
|
Chỉ riêng ở Q.Phú Nhuận có tới trên 10 điểm đen như: Phan Đăng Lưu, Hoàng Hoa Thám, Phan Xích Long, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quang Định, bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè... Tại Bình Thạnh, dân quái xế vẫn chọn các con đường Điện Biên Phủ (từ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đến chân cầu Sài Gòn), Bạch Đằng, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quang Định, Đinh Bộ Lĩnh, Chu Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh... làm đường đua mỗi đêm. Vì ở gần “tâm bão” nên các cung đường thênh thang về đêm ở Gò Vấp như: Quang Trung, Trần Bình Trọng, Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh... cũng đặt trong tình trạng sẵn sàng đón “bão”. Q.10 với cung đường Thành Thái, Trường Sơn hằng đêm đón không dưới 1.000 quái xế tụ tập đua xe, gây rối. Tại Q.11, hằng đêm từng đoàn thanh thiếu niên cưỡi xe lao như tên bắn trên các đường Lữ Gia, Lê Đại Hành, Lạc Long Quân, Âu Cơ... Gần đây, các quái xế đã rút vào những con đường ngắn trong các khu chung cư gần chợ hoa Đầm Sen để đua ăn tiền. Tại khu vực Q.5, Q.6, những cung đường Hồng Bàng, Hải Thượng Lãn Ông, Kinh Dương Vương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Chí Thanh, Hậu Giang, đại lộ Đông Tây... luôn là những điểm nóng của nạn đua xe trái phép. Có đêm đoàn đua với cả ngàn chiếc xe dàn hàng ngang rú ga, nẹt pô trên những vòng đua khép kín: An Dương Vương - Nguyễn Tri Phương - đại lộ Đông Tây - Nguyễn Chí Thanh - Thuận Kiều và trở về An Dương Vương. Khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, các tay đua lập tức lủi vào các con hẻm tối để thoát thân. Ở Q.4, người dân sống tại khu vực dưới chân cầu Tân Thuận 1 và 2 luôn trong tâm trạng lo âu, mệt mỏi bởi tại đây có một điểm tập kết đua xe, quậy phá hằng đêm. Anh Hải, nhà gần cầu Tân Thuận, cho biết vào các đêm thứ bảy, chủ nhật có không dưới 500 quái xế tập kết tại đây đua xe. Sau vài tua họ rút sang hướng Q.7, Q.8, Nhà Bè để gầy “kèo” khác. Gần đây Công an Q.4 và CSGT làm rát quá nên họ rút bớt. Các con đường Trường Sơn, Nguyễn Văn Trỗi, Lũy Bán Bích, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt... của Q.Tân Bình cũng là những điểm nóng về nạn đua xe, lạng lách, nẹt pô, đánh võng... gây bức xúc cho người dân. Chị Thảo (ngụ Trường Chinh, Tân Bình) than thở vào những ngày cuối tuần cả khu phố sống trong căng thẳng bởi từng đoàn xe từ vài trăm đến cả ngàn chiếc rú đinh tai nhức óc. Chị Thảo kể không biết đua xe ăn thua kiểu gì mà đám choai choai rút mã tấu choảng nhau chí mạng. Khu vực các quận ven cũng “nóng” không kém. CSGT Q.Tân Phú đêm nào cũng phải ứng trực tại các điểm đen về đua xe: Trường Chinh (đối diện KCN Tân Bình), Lê Trọng Tấn, Tây Thạnh, Trịnh Đình Trọng, Hòa Bình... Một CSGT cho biết rạng sáng 18-7 có khoảng 2.000 quái xế kéo ra tụ tập tổ chức đua xe, gây rối khiến hàng chục xe tải không thể vào KCN Tân Bình lấy hàng. Ở Q.Bình Tân có khu Tên Lửa, Vành Đai Trong và Q.7 có đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ thường xuyên là nơi đua xe. Các “quái xế” miệt Hóc Môn, Củ Chi lại chọn quốc lộ 22 làm “trường đua”... Gần đây các “yêng hùng” còn kéo nhau vào những con đường nhỏ, hẻm sâu trong khu dân cư thoải mái lạng lách “cong lề bạt phố” để tạo... cảm giác.Đưa vào cơ sở giáo dục nếu tái phạm Thượng tá Võ Văn Nhuận, trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, cho biết tình trạng thanh thiếu niên tụ tập hằng đêm để quậy phá, lạng lách đánh võng, gây mất an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp.
Trong sáu tháng đầu năm nay, CSGT, Công an TP.HCM đã phát hiện hơn 200 tốp thanh niên tụ tập lạng lách, rú ga, dàn hàng ngang, gây rối trật tự (tăng 117 nhóm so với năm 2009). Lực lượng tuần tra đã lập biên bản xử phạt hơn 12.200 trường hợp, tạm giữ hơn 4.600 xe các loại (chưa kể số liệu xử lý của công an 24 quận, huyện). |
Tháng 4-2010, nghị định 34 đưa vào thực hiện như một biện pháp mạnh để trị nạn đua xe, quậy phá. Theo quy định, những hành vi: nằm trên yên xe, buông hai tay, dùng chân, ngồi một bên điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách, đánh võng... bị phạt 5-7 triệu đồng (mức phạt cũ 4-6 triệu đồng). Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 ngày hoặc vô thời hạn. Nếu tái phạm các lỗi vi phạm trên thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, tịch thu xe. Tuy nhiên, một lãnh đạo phòng CSGT cho biết thực tế việc xử lý các đối tượng vi phạm rất khó khăn. Khi bị kiểm tra, hầu hết không chịu xuất trình giấy phép lái xe, giấy tờ xe. Nếu bị giữ xe thì họ bỏ luôn vì giá một chiếc xe Trung Quốc cũ không quá 1-2 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với tiền phạt. Thượng tá Võ Văn Nhuận cho biết từ đầu năm đến nay đã mở nhiều đợt cao điểm truy quét nạn tụ tập, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, gây rối... Hằng đêm, các đơn vị thuộc phòng CSGT phải căng sức, trắng đêm huy động tối đa lực lượng, phương tiện vào công tác phòng chống đua xe, nhưng các đối tượng vẫn lén lút tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn.
Trước nạn đua xe như dịch bệnh lây lan này, phòng CSGT đã tham mưu cho Công an TP.HCM ban hành quyết định có ý nghĩa xử lý tận gốc. Theo đó, giám đốc Công an TP giao trách nhiệm cho trưởng công an quận về việc phòng chống nạn đua xe ở địa phương mình. Cụ thể, công an quận, huyện phải tham mưu cho cấp ủy, các ban ngành đoàn thể địa phương phối hợp, vận động gia đình quản lý các đối tượng có hành vi quậy phá, tụ tập đua xe, gây mất trật tự công cộng... Lãnh đạo công an quận, huyện giao trách nhiệm cho công an phường, xã nắm danh sách các đối tượng này để thường xuyên giáo dục, răn đe. Công an quận, huyện giao các đơn vị nghiệp vụ làm việc với các tiệm sửa xe (nơi các đối tượng đua xe đến “độ” xe, thay đổi đặc tính xe) để làm cam kết không tiếp tay cho dân đua xe, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, các đơn vị CSGT sau khi xử lý các trường hợp vi phạm sẽ thông báo về công an quận, huyện để chỉ đạo công an phường, xã lập hồ sơ giáo dục tại địa phương. Đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần, công an quận, huyện đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý bằng những hình thức cao hơn như đưa đi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.
Theo Hoàng Khương
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ