Ở một lớp đào tạo cấp chứng chỉ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. (Ảnh có tính chất minh họa) |
Làm sao để một dự án đầu tư xây dựng công trình triển khai bảo đảm được chất lượng, tiến độ thi công và giảm thiểu tối đa sự thất thoát trong thực hiện dự án là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thi hành số 12, 22 và 25 của Bộ Xây dựng vừa ban hành quy định rõ điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng.
Theo đó, những cá nhân tham gia quản lý dự án phải có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; những kỹ sư, kiến trúc sư cũng phải qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng mới được cấp chứng chỉ hành nghề... Thấy rõ đối tượng sẽ phải tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng khá rộng và đông đảo (gồm những cán bộ công tác trong các Ban quản lý dự án, công ty xây dựng, tư vấn xây dựng và tham gia trong quá trình quản lý dự án, thực hiện thanh quyết toán công trình như: Cán bộ Phòng Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Kế hoạch, Quy hoạch đô thị, Quản lý đô thị, Tài nguyên-Môi trường…), từ đầu năm đến nay, tại Đà Nẵng đã có gần 10 đơn vị đào tạo được Bộ Xây dựng cấp phép mở các khóa học và cấp các chứng chỉ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Nhiều đơn vị đã mở được 1-3 khóa học (15 - 30 học viên/khóa), chiêu sinh mở nhiều lớp trong tháng 6 và 7-2010.
Đội ngũ giảng viên phần lớn được mời về từ Bộ Xây dựng, TP. Hồ Chí Minh và một số giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Nội dung các khóa học gồm các chuyên đề: Lựa chọn nhà thầu, hợp đồng trong hoạt động xây dựng; quản lý khối lượng, tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn lao động, môi trường xây dựng, phòng chống cháy nổ rủi ro, thanh quyết toán vốn của dự án đầu tư xây dựng công trình, theo khung quy định tại Thông tư số 25/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Các đơn vị đào tạo này còn kết hợp mở thêm các lớp đào tạo kỹ sư thẩm định giá xây dựng; nghiệm thu hoàn công, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; giám đốc quản lý dự án đầu tư xây dựng; giám sát thi công xây dựng công trình; đấu thầu… cho các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan có nhu cầu, rồi cấp chứng chỉ, để thu thêm tiền.
Theo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, căn cứ nội dung Thông tư số 12/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Sở chỉ cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình cho các cá nhân có nhu cầu được cấp chứng chỉ và có đủ điều kiện năng lực tương ứng với lĩnh vực xin đăng ký hành nghề quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đầu năm đến nay, đã cấp được 158 chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, trong đó có 68 kiến trúc sư; 270 chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, Sở cũng tiến hành cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng theo Quyết định số 06/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chính từ nhu cầu được cấp chứng chỉ xây dựng, khá nhiều đơn vị đua nhau mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có những đơn vị có số lượng học viên tham gia học ít nhưng lại đưa ra mức học phí thấp để cạnh tranh với các đơn vị khác. Qua đây, không thể không đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo. Cũng có đơn vị lại đánh đồng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình với quản lý dự án nói chung, khiến khối lượng kiến thức chuyên môn chuyển tải cho học viên vừa không đủ, vừa lệch.
Còn theo ý kiến phản ánh của một số học viên, tuy lịch học được sắp xếp vào buổi tối hoặc cuối tuần, song vẫn có khá nhiều học viên vắng mặt và chuồn học giữa buổi; giảng viên cũng không thể chuyển tải hết đến học viên nội dung chuyên đề vì nhiều lý do; việc cấp chứng chỉ cũng quá dễ dãi, xuề xòa… Việc bắt buộc phải có các chứng chỉ xây dựng, trong đó yêu cầu cá nhân phải qua lớp bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ là cần thiết và hướng đúng, song với kiểu đào tạo - thu tiền, người học - đối phó như trên và thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng, sẽ rất khó nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cá nhân trong hoạt động xây dựng.
Bài và ảnh: NAM TRÂN