Tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, thực hiện chính sách liên quan đến việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, cần khắc phục một số hạn chế để lĩnh vực nhiều tiềm năng này phát triển mạnh hơn nữa, mang lại lợi ích to lớn cho cả người lao động và xã hội.
Thị trường ngày càng rộng mở
Hiện cả nước có 167 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường như: Libi, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Angiêri, Đài Loan (Trung Quốc), Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ảrập Xêút, Macao (Trung Quốc)… Nhìn chung, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang ngày càng phát triển, đóng góp cho việc tạo mở việc làm ở ngoài nước cho người lao động trong nước.
Thị trường lao động ngoài nước ngày càng được mở rộng với số lượng lao động đi làm việc hằng năm ngày càng tăng. Năm 2006, quy mô lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài trên 70.000 lao động; đến năm 2007, con số này đạt trên 80.000 lao động; năm 2008 khoảng 87.000 lao động và năm 2009 duy trì ở mức gần 75.000 lao động.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ 1-7-2007, góp phần phát triển hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách bền vững. Trên cơ sở những quy định và điều khoản ghi trong Luật, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chủ động khai thác, phát triển các loại thị trường. Nhiều thị trường lao động mới được xúc tiến, mở rộng. Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các trường đào tạo có quy mô, đào tạo các nghề trình độ cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động quốc tế… Nhờ đó, chất lượng nguồn lao động xuất khẩu cũng dần được nâng lên. Hầu hết các thị trường nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam đều đánh giá người lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhẹn, cần cù, có khả năng giao lưu, hội nhập với các nền văn hoá và cư dân nước sở tại.
Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010-2020 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện từ tháng 5-2009 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù giúp người lao động thuộc các huyện nghèo học văn hóa, học nghề và có đủ điều kiện về tài chính để đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, đã có hơn 6.500 lao động của các huyện nghèo thuộc 18 tỉnh đăng ký làm việc ở nước ngoài, trong đó khoảng 6.000 lao động được tuyển chọn…
Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó những nước, vùng lãnh thổ có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc là Malaixia, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. |
Khắc phục những hạn chế
Theo nhận định của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mặc dù số lượng lao động trong nước được đưa đi làm việc ở nước ngoài tăng hằng năm, nhưng nhìn chung chất lượng chưa cao nên chưa đáp ứng được các thị trường có thu nhập cao mà người lao động mong muốn. Số lao động đi theo hợp đồng nhận thầu, trúng thầu và lao động công nghệ cao còn ít; chất lượng nguồn lao động xuất khẩu vẫn còn thấp; ở một số thị trường đã xảy ra tình trạng lao động thiếu kỷ luật, đình công trái luật, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam, trong khi việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan khi xử lý những phát sinh của thị trường lại chưa đáp ứng được kịp thời.
Công tác quản lý hoạt động tuyển chọn lao động tại một số địa phương chưa chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng chưa thực sự mạnh. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít đầu tư vốn và nguồn nhân lực nên hoạt động chưa hiệu quả. Một số khác không chú trọng công tác quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, chậm phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động, có trường hợp để kéo dài, gây hậu quả xấu. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong tổng số 167 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài thì chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, 50% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trung bình và 20% hoạt động kém hiệu quả.
Theo Bộ chủ quản, để hoạt động đưa người lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài ngày càng có hiệu quả, bên cạnh nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về tầm quan trọng và vai trò của việc đưa người lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước, cần tiếp tục ổn định, mở rộng các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, phát triển thị trường mới, xúc tiến đưa lao động sang một số thị trường như: Ốxtrâylia, Canađa, EU, Hoa Kỳ. Đối với công tác đào tạo nghề, cần chú ý các nghề mà nước ta có ưu thế như: dệt may, xây dựng, điện tử... và tổ chức đào tạo, dạy nghề và ngoại ngữ cho người lao động ở trong nước và đi làm việc ở nước ngoài. Mở rộng và phát triển các hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt tập trung xây dựng các doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu lao động, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân. Đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin, giáo dục, định hướng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phải công khai, minh bạch và đảm bảo những thông tin chính xác về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng đó, việc hỗ trợ người lao động đang làm việc tại nước ngoài cũng cần được quan tâm hơn. Nâng cao hơn nữa hiệu quả của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động; huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp và người lao động để hỗ trợ người lao động khi ốm đau, tai nạn. Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo pháp luật những vi phạm liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; không để xảy ra những vụ lừa đảo người lao động và những vụ vi phạm hợp đồng lao động. Khi các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn và thực hiện cắt giảm lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần có biện pháp thích hợp để đưa người lao động sang nơi làm việc mới. Trường hợp không chuyển được mà phải đưa về nước thì phải làm việc với người sử dụng lao động để thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động về nước trước thời hạn hợp đồng theo quy định.
KIỀU TRINH