Trong ngày đầu Xuân, tiết trời se lạnh, mai trong vườn khoe sắc dưới nắng vàng. Cánh đồng Cát Lâm 3, Phước Cát I (huyện Cát Tiên) rộng mênh mông, đất đã được cày ải đang đợi xuống giống, cờ phướn rợp trời, hàng ngàn người nô nức kéo về trảy hội lồng tồng.
Hội lồng tồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng) của người Tày được tổ chức trọng thể vào sáng mồng 6 Tết. Một cây nêu bằng tre mai cao vút chừng 20 mét được trang trí giấy màu, trên ngọn uốn thành vòng tròn dán kín giấy hồng được dựng làm trung tâm của không gian lễ hội. Một dãy kệ bằng tre được dựng làm hương án che dù đủ sắc đặt 7 mâm lễ của các cộng đồng đồng bào Tày từ các xã trong huyện về dự hội. Mâm nào cũng đầy ắp vật tế lễ với lợn quay, thịt gà, bánh chưng, chè lam, bánh khảo, hoa trái được trang trí đẹp mắt. Chủ lễ pú mo (hay còn gọi là thầy Tào) trong trang phục truyền thống thành kính đứng trước các mâm lễ khấn bái tạ ơn trời đất, thần linh che chở cho đồng bào, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Dứt lời khấn, pú mo làm lễ cầu mưa, vẩy nước ra xung quanh ngụ ý là trời ban mưa, mọi người xúm lại, ai cũng muốn hứng lấy những giọt nước tượng trưng cho điềm lành và sự may mắn ấy. Trong khói hương nghi ngút của miền tâm linh, mọi người cùng rót rượu mời nhau uống, chúc tụng nhau khỏe mạnh, năm mới làm ra được nhiều của cải hơn năm cũ, thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân…
Sau phần lễ, một hồi trống vang lên, đám thanh thiếu niên ùa ra giữa khoảng đất trống – nơi dựng cây nêu, ai cũng cố bắt lấy những quả còn. Trống thúc giục, hội ném còn bắt đầu. Hàng trăm quả còn bằng vải được chắp vá khéo léo từ nhiều màu có gắn tua rua dài, nhồi bên trong là các loại hạt ngũ cốc: lúa, bắp, đậu được tung về phía vòng tròn dán kín trên ngọn cây nêu. Quả còn trong tay quay tít. Bên tung, bên hứng. Những quả còn với tua rua như những tia cầu vồng bay qua bay lại kéo theo hàng ngàn ánh mắt ngước lên dõi theo. Tiếng hò reo. – Chưa trúng! – Gần trúng rồi! thấp tí nữa… Cây nêu cao đến tưởng chừng như khó có quả còn nào bay qua làm thủng tâm điểm gắn trên ngọn của nó. Hàng trăm người trổ tài, những quả còn bay không ngớt. Toạc! Chính xác rồi! Tiếng hò reo vang dậy. Quả còn đã chui qua vòng tròn giấy rách toang. Một phong bao lì xì dành cho người may mắn. Cuộc chơi mỗi lúc một sôi động, thi nhau ném, thi nhau bắt còn, ai cũng muốn là người chiến thắng để có phần thưởng may mắn đầu năm…
Bên cạnh những sắc áo chàm của đồng bào Tày, lễ hội thu hút nhiều dân tộc anh em khác trong huyện cùng về trảy hội: Mông, Nùng, Dao, S’Tiêng, Kinh. Giữa đồng trống làm cho tiếng đàn tính, tiếng hát then, hát lượn của các thiếu nữ Tày thêm ngân nga, đồng vọng.
Cuối khoảng đất trống là một góc dành cho văn hóa ẩm thực. Heo quay trên bếp than, thịt heo quấn lá mắc mật nướng cho vị ngọt thơm nựng được ăn kèm với bún, với phở và những ly rượu nồng đến khé cổ… Người ăn cứ ăn, người uống cứ uống, người chơi cứ chơi. Có hơi men vào, chơi càng vui; chơi mệt ngồi nghỉ ăn uống lấy sức để chơi tiếp. Chỗ thì ném còn, chỗ bịt mắt bắt dê, góc chơi đẩy gậy. Cuộc vui tưởng như kéo dài không dứt cho đến khi ông mặt trời đã trên đỉnh đầu hắt cái nắng chói chang xuống, mọi người mới chịu tìm nơi tránh nắng rồi ra về.
Là một lễ hội sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hội lồng tồng là sự khát vọng của đồng bào Tày trong sự hòa hợp với đất trời, cầu cho người người no đủ. Đây là mùa Xuân đầu tiên huyện Cát Tiên mở hội lồng tồng, ngoài việc tạo điều kiện cho đồng bào Tày gìn giữ và giới thiệu bản sắc văn hóa của mình với anh em các dân tộc trong huyện; lễ hội là dịp để đồng bào nhớ về quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn và gắn bó xây dựng quê mới ngày càng giàu đẹp.
Hội lồng tồng (còn gọi là lễ hội xuống đồng) của người Tày được tổ chức trọng thể vào sáng mồng 6 Tết. Một cây nêu bằng tre mai cao vút chừng 20 mét được trang trí giấy màu, trên ngọn uốn thành vòng tròn dán kín giấy hồng được dựng làm trung tâm của không gian lễ hội. Một dãy kệ bằng tre được dựng làm hương án che dù đủ sắc đặt 7 mâm lễ của các cộng đồng đồng bào Tày từ các xã trong huyện về dự hội. Mâm nào cũng đầy ắp vật tế lễ với lợn quay, thịt gà, bánh chưng, chè lam, bánh khảo, hoa trái được trang trí đẹp mắt. Chủ lễ pú mo (hay còn gọi là thầy Tào) trong trang phục truyền thống thành kính đứng trước các mâm lễ khấn bái tạ ơn trời đất, thần linh che chở cho đồng bào, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Dứt lời khấn, pú mo làm lễ cầu mưa, vẩy nước ra xung quanh ngụ ý là trời ban mưa, mọi người xúm lại, ai cũng muốn hứng lấy những giọt nước tượng trưng cho điềm lành và sự may mắn ấy. Trong khói hương nghi ngút của miền tâm linh, mọi người cùng rót rượu mời nhau uống, chúc tụng nhau khỏe mạnh, năm mới làm ra được nhiều của cải hơn năm cũ, thóc lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân…
Sau phần lễ, một hồi trống vang lên, đám thanh thiếu niên ùa ra giữa khoảng đất trống – nơi dựng cây nêu, ai cũng cố bắt lấy những quả còn. Trống thúc giục, hội ném còn bắt đầu. Hàng trăm quả còn bằng vải được chắp vá khéo léo từ nhiều màu có gắn tua rua dài, nhồi bên trong là các loại hạt ngũ cốc: lúa, bắp, đậu được tung về phía vòng tròn dán kín trên ngọn cây nêu. Quả còn trong tay quay tít. Bên tung, bên hứng. Những quả còn với tua rua như những tia cầu vồng bay qua bay lại kéo theo hàng ngàn ánh mắt ngước lên dõi theo. Tiếng hò reo. – Chưa trúng! – Gần trúng rồi! thấp tí nữa… Cây nêu cao đến tưởng chừng như khó có quả còn nào bay qua làm thủng tâm điểm gắn trên ngọn của nó. Hàng trăm người trổ tài, những quả còn bay không ngớt. Toạc! Chính xác rồi! Tiếng hò reo vang dậy. Quả còn đã chui qua vòng tròn giấy rách toang. Một phong bao lì xì dành cho người may mắn. Cuộc chơi mỗi lúc một sôi động, thi nhau ném, thi nhau bắt còn, ai cũng muốn là người chiến thắng để có phần thưởng may mắn đầu năm…
Bên cạnh những sắc áo chàm của đồng bào Tày, lễ hội thu hút nhiều dân tộc anh em khác trong huyện cùng về trảy hội: Mông, Nùng, Dao, S’Tiêng, Kinh. Giữa đồng trống làm cho tiếng đàn tính, tiếng hát then, hát lượn của các thiếu nữ Tày thêm ngân nga, đồng vọng.
Cuối khoảng đất trống là một góc dành cho văn hóa ẩm thực. Heo quay trên bếp than, thịt heo quấn lá mắc mật nướng cho vị ngọt thơm nựng được ăn kèm với bún, với phở và những ly rượu nồng đến khé cổ… Người ăn cứ ăn, người uống cứ uống, người chơi cứ chơi. Có hơi men vào, chơi càng vui; chơi mệt ngồi nghỉ ăn uống lấy sức để chơi tiếp. Chỗ thì ném còn, chỗ bịt mắt bắt dê, góc chơi đẩy gậy. Cuộc vui tưởng như kéo dài không dứt cho đến khi ông mặt trời đã trên đỉnh đầu hắt cái nắng chói chang xuống, mọi người mới chịu tìm nơi tránh nắng rồi ra về.
Là một lễ hội sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hội lồng tồng là sự khát vọng của đồng bào Tày trong sự hòa hợp với đất trời, cầu cho người người no đủ. Đây là mùa Xuân đầu tiên huyện Cát Tiên mở hội lồng tồng, ngoài việc tạo điều kiện cho đồng bào Tày gìn giữ và giới thiệu bản sắc văn hóa của mình với anh em các dân tộc trong huyện; lễ hội là dịp để đồng bào nhớ về quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn và gắn bó xây dựng quê mới ngày càng giàu đẹp.
Quỳnh Uyển