Lần đầu đưa ra lấy ý kiến tại QH, dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (PC MBN) nhận được sự đồng tình của đa số ĐBQH tại buổi thảo luận ở hội trường chiều 13/11, về tính cần thiết ban hành và phạm vi điều chỉnh của dự án luật để phòng, chống tình trạng MBN hiện nay ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một số ĐB lo ngại dự thảo Luật PC MBN có xung đột với các luật khác về phạm vi điều chỉnh, nhưng theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, đây không phải là luật đầu tiên, mà trong thực tiễn luật pháp đã có các đạo luật như Luật phòng, chống tham nhũng; Luật phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống mại dâm.... cũng quy định những hành vi liên quan đến Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự.
Nhiều ĐB đề nghị phải chuẩn xác lại khái niệm các thuật ngữ trong dự án luật này, nhất là hành vi MBN, hành vi liên quan đến việc MBN để bảo đảm sự thống nhất giữa Luật hình sự và tố tụng hình sự và tạo điều kiện dễ dàng và thuận lợi khi áp dụng pháp luật. Đồng thời, rà soát lại các điều khoản để bảo đảm tính thống nhất của các điều trong luật này với các luật khác đã được Quốc hội ban hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quan tâm đến tính khả thi của đạo luật sau khi được ban hành, các ĐBQH đề nghị phải quan tâm đến các quy định của luật này để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, hoàn cảnh, đặc điểm của đất nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các chính sách kinh tế - xã hội đối với các đối tượng khác nữa.
Sáng qua, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) phối hợp với trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật PC MBN, với sự tham dự của các chuyên gia, giảng viên và sinh viên pháp lý. TS.Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội – nhấn mạnh, tội phạm MBN diễn ra phức tạp nhưng đến nay hệ thống PL mới chú trọng đến các qui định “chống”. Với việc ban hành Luật PC MBN sẽ cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ (các biện pháp, giao trách nhiệm...) để huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vào việc “phòng” MBN. Đồng thời, đây cũng là hành động cụ thể để nội luật hóa các cam kết của Việt Nam sau khi tham gia Công ước PC MBN, thống nhất các qui định chưa tương thích với công ước, cũng như chưa đồng bộ, đang rải rác trong các văn bản PL hiện hành liên quan đến PC MBN. Các ý kiến tại hội thảo sẽ tiếp tục bổ sung cơ sở, tư liệu cho Ban soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình QH thông qua vào kỳ họp thứ 9 (dự kiến vào tháng 3/2011)./. |
Vì vậy, cần phải rà soát thêm, chỉnh lý lại cho chính xác một loạt các quyền, nghĩa vụ, chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân ở trong các chương của luật này, nhất là qui định trách nhiệm của UBND cấp xã trong hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, bảo vệ nạn nhân và nhân chứng của các vụ án MBN, thành lập các trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về...
Một số ĐB đề nghị cần phải bổ sung thêm nghĩa vụ, trách nhiệm của HĐND các cấp trong PC MBN khi mà ra các nghị quyết về kinh tế - xã hội, về các chính sách, vấn đề chức năng giám sát, cùng với trách nhiệm của UBND như trong dự thảo.
Ngoài ra, các ĐBQH nêu rất nhiều các ý kiến cụ thể liên quan đến những vấn đề cụ thể của các nội dung trong các điều luật của luật này như vấn đề cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, những vấn đề giả mạo nạn nhân để hưởng các chế độ chính sách, các điều cấm...
Cùng ngày, ĐBQH thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập. Trước thực tế, so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thì số kiểm toán viên là rất nhỏ, chưa đáp ứng đủ yêu cầu kiểm toán, chất lượng kiểm toán viên trong nước hiện nay chưa được đánh giá cao, thậm chí còn kém xa so với kiểm toán viên quốc tế, việc phát triển các doanh nhiệp kiểm toán, phát triển nhân lực cho ngành này đang đặt ra nhiều vấn đề..., nhiều ĐBQH nhận thấy, đó là những vấn đề cần quan tâm để đưa ra những quy định cho phù hợp.
Quan tâm đến quy định: không cho phép tổ chức được góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán, trừ trường hợp công ty kiểm toán Việt Nam liên doanh với công ty kiểm toán nước ngoài để thành lập công ty kiểm toán liên doanh, một số ĐB cho rằng quy định này là quá chặt và chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Thậm chí, sẽ hạn chế việc thành lập các doanh nhiệp kiểm toán trong khi nhu cầu đất nước đang cần ngày càng nhiều loại doanh nghiệp này. Vì thế, nên coi doanh nghiệp kiểm toán như doanh nghiệp bình thường, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng sẽ có thêm một số qui định phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp kiểm toán, có thể thuê giám đốc, nhân sự...
H.Giang – T.Hằng