Dư luận quốc tế về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam

Dư luận quốc tế về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam
(PLO) - Chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã và đang là chủ đề thời sự được dư luận quốc tế quan tâm. Trước thềm diễn ra chuyến thăm, xin điểm lại một vài phản ánh từ báo chí quốc tế...

Theo tờ Việt Báo của cộng đồng người Việt tại Mỹ, trước hết, nói về lịch sử, ông Barack Obama là vị Tổng thống Mỹ thứ 3 thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ông Clinton cũng chính là người quyết định bỏ cấm vận Việt Nam để Hà Nội có thể hội nhập kinh tế - thương mại với thế giới theo chủ trương “đổi mới”. 

Về phía Đảng Cộng hòa, Tổng thống George Bush cũng đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-20/11/2006 khi ông đến Hà Nội dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Như vậy, đối với các nhà lãnh đạo Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh Việt Nam thì Việt Nam vẫn chưa bị lãng quên nhờ có vị trí chiến lược về đường biển và đất liền quan trọng trong tuyến phòng thủ an ninh ở biển Đông và miền Nam Trung Quốc. 

Hiệp định TPP 

Còn tạp chí uy tín “Forbes” cuối tuần qua đăng bài viết của chuyên gia theo dõi các vấn đề châu Á Ralph Jennings về chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22-25/5 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó có nhắc tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương. 

Trước hết là về TPP. Hai bên dự kiến thảo luận về vai trò của Việt Nam trong TPP — khu vực thương mại tự do chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, song lại không có sự tham gia của Trung Quốc, quốc gia cũng nằm trên vành đai Thái Bình Dương và có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn thứ hai thế giới. TPP đòi hỏi Việt Nam, được coi là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định thương mại tự do này, phải cải thiện các điều kiện lao động và tiêu chuẩn về môi trường. 

Oscar Mussons - cố vấn về thương mại quốc tế thuộc hãng tư vấn Dezan Shira & Associates ở TP Hồ Chí Minh - nhận định, Tổng thống Obama có thể tận dụng chuyến thăm để hối thúc Việt Nam phải đi theo hướng này. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều nhất trong số các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng nghĩa với việc “thương mại song phương sẽ tăng vọt sau khi TPP được thực thi”. 

Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ là một dịp tốt để nhắc nhở nghĩa vụ của cả hai nước, cũng như là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ sẵn sàng thúc đẩy và tiếp tục điều chỉnh luật pháp hướng tới một môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ biểu quyết thông qua TPP trong phiên họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào tháng 7/2016. 

Tuy nhiên, lịch thảo luận về TPP của Quốc hội Mỹ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khi nào thì phe đa số kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện Mỹ muốn thảo luận. Việc này cũng phải chờ sau kết quả các cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ, bao gồm cả bầu cử tổng thống, bầu lại 30 thượng nghị sĩ và tất cả 435 hạ nghị sĩ. 

Viễn cảnh đưa TPP ra trước Quốc hội Mỹ còn mập mờ hơn vì cả hai ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đều không hài lòng với nội dung đã được chính quyền Obama nhất trí với 11 nước thành viên trong TPP. Cả hai đều ngỏ ý “phải xem xét lại” hiệp định này nếu đắc cử tổng thống vì TPP không có lợi cho công nhân Mỹ. 

Xóa “vết đen” cấm vận vũ khí sát thương 

Một chủ đề được dư luận nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama. 

Đối với Việt Nam, Nhà Trắng đang cân nhắc việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương áp đặt ba thập kỷ qua, một “vết đen” trong quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Việt Nam đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận này trong bối cảnh quan hệ song phương đang ấm lên. Bán vũ khí cho Việt Nam sẽ giúp các nhà thầu quốc phòng Mỹ như Boeing BA, Raytheon hay Lockheed Martin tăng mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng.

Theo tờ Việt Báo, phía Việt Nam, trong một số cuộc họp cao cấp với Mỹ đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam vì nhu cầu hiện đại hóa quân đội. 

Xung quanh tin đồn Tổng thống Obama có thể công bố quyết định bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông đến Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định tại Hà Nội ngày 10/5 rằng Washington “chưa có quyết định nào như vậy”. 

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các nhà báo: “Chúng ta cần nhớ rằng năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp cận các vũ khí phục vụ khả năng phòng vệ và tăng cường bảo vệ bờ biển. Đó là nhu cầu chính đáng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm cho thấy mối quan hệ chiến lược về an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đang ngày càng lớn mạnh”. 

Sở dĩ có tin Tổng thống Obama có thể sẽ công bố quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã xác nhận ông ủng hộ việc này. 

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 28/4/2016, Chủ tịch Ủy ban John McCain hỏi ông Carter: “Liệu ông có dỡ bỏ những hạn chế về vũ khí đối với người Việt Nam?” Bộ trưởng Carter đáp: “Chúng ta đã thảo luận chuyện này trước đây và tôi trân trọng ý kiến của ngài Chủ tịch về vấn đề này, tôi tán thành”. Theo ông Russel, tình hình biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn là vấn đề lớn của cả thế giới. 

Về khả năng Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho biết với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông đã làm việc với các cơ quan trong chính quyền và các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ. 

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương là cần và càng sớm càng tốt, và đặc biệt là nếu đạt được trong chuyến thăm này thì đó là điều rất tốt cho quan hệ hai nước. 

Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận chứng tỏ rằng quan hệ hai nước được bình thường hóa một cách hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này sẽ giúp tăng thêm độ tin cậy giữa hai nước, mở ra các cơ hội hợp tác mới. 

Vấn đề biển Đông

Mỹ, dưới quyền Tổng thống Obama đã xoay trục quân sự từ châu Âu và Trung Đông về châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2010. Trợ lý Ngoại trưởng Russel đã phát biểu rằng “phía Mỹ nhận thức rõ Việt Nam là thành tố quan trọng trong nỗ lực tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á — Thái Bình Dương”. 

Theo ông Russel, nhiều nước bày tỏ quan ngại về hành động của Trung Quốc trên biển Đông, bao gồm việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng. Ông Russel nói: “Tôi đã có mặt tại Lào cùng các phái đoàn cấp cao các nước để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Hầu như các bên đều bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông. Các quan chức cấp cao cho rằng các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền của mỗi nước theo luật… 

Mỹ không đứng về bên nào trong tuyên bố chủ quyền trên biển Đông mà thiên về luật pháp quốc tế. Là một cường quốc, Mỹ đảm bảo thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở mọi khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép. 

Tuy nhiên, Washington sẽ không thỏa mãn nếu các nước nhỏ không được hưởng các quyền như Mỹ. Nếu Hải quân Mỹ, lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, không đảm bảo được các quyền này thì những nước yếu hơn khó có thể hiện thực nó. Nếu chiến hạm Mỹ không thực hiện được việc đảm bảo các quyền lợi chính đáng, tàu hàng và tàu cá khó có thể đi qua mà không bị lực lượng khác ngăn cản”. 

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Daniel Russel cho hay: “Tổng thống Obama sẽ thảo luận cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam để tìm giải pháp ứng phó với hàng loạt thách thức trong khu vực và toàn cầu, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và nguyên tắc chung, giảm bớt căng thẳng trên biển Đông”. 

Ngoài ra, theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel, hai bên Việt - Mỹ cũng sẽ “nỗ lực giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại (giúp Việt Nam tháo gỡ bom mìn, tìm quân nhân mất tích, tẩy rửa chất độc da cam…) và tiếp tục thảo luận, mở rộng hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, cải cách pháp luật”. 

Như vậy, rõ ràng ông Obama sẽ rất bận rộn với một chương trình làm việc dày đặc từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tập trung chính vào 4 lĩnh vực: Hợp tác kinh tế; nhân quyền; biển Đông và sửa đổi luật pháp của Việt Nam cho phù hợp với các tiêu chuẩn và yêu cầu của TPP...

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.