“So với các nước láng giềng về kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động xúc tiến quốc gia, kinh phí của Việt Nam còn khiêm tốn, nhỏ bé hơn rất nhiều (1,5 triệu USD/năm của Việt Nam so với 100 triệu đô la Mỹ của Thái Lan/năm và 110 triệu đô la Mỹ của Malaysia).
Kinh phí hạn hẹp đã hạn chế đến tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch”- ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch nhấn mạnh tại “hội nghị chuyên đề về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam năm 2013” vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hoạt động xúc tiến manh mún, mờ nhạt vì thiếu tiền?
Theo Tổng cục du lịch thì những năm gần đây, kinh phí xúc tiến du lịch hàng năm từ ngân sách Nhà nước mới đạt mức 30-40 tỷ đồng. Năm 2010, Thái Lan dành 130 triệu USD cho xúc tiến du lịch. Năm 2012, nguồn kinh phí này tăng lên 237 triệu USD. Năm 2011 du lịch Thái Lan đóng góp khoảng 10% vào GDP nước này.
Du lịch Việt Nam |
Năm 2011, Singapore chi tới 171 triệu USD vào việc khuếch trương hình ảnh cho khoảng 10 triệu lượt khách. Cũng năm này, Malaysia dành 40 triệu USD để xúc tiến quảng bá du lịch cho 25 triệu lượt khách.
Trong khi đó, năm 2011, Việt Nam dành 35 tỷ đồng (tương đương 2,5 triệu USD) cho công tác xúc tiến du lịch. Ðã có một nghịch lý là lượng du khách quốc tế gia tăng, nhưng ngân sách dành cho lĩnh vực này lại đang "co" lại. Đến năm 2012, nguồn kinh phí này bị cắt giảm chỉ còn khoảng 1,5 triệu USD.
Kinh phí eo hẹp dẫn đến hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài liên tục bị ngắt quãng, thiếu chuyên nghiệp. Tổng cục Du lịch khi tham gia hội chợ hay các sự kiện ở nước ngoài thường phải loay hoay vì thiếu tiền để tổ chức các hoạt động phụ trợ như họp báo, quảng bá trực quan…
Thậm chí, hình ảnh quốc gia cũng được thể hiện khá manh mún, khi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia gian hàng quảng bá ở nước ngoài cứ mạnh ai nấy làm một cách mờ nhạt.
Mặt khác, khoản kinh phí này còn bị phân tán và triển khai đồng loạt nhiều nhiệm vụ, do đó chưa tạo thành động lực mang tính đột phá làm thay đổi căn bản hoạt động xúc tiến du lịch.
Đặc biệt, vấn đề kinh phí cũng hạn chế khả năng sử dụng, khai thác các hình thức, công cụ xúc tiến du lịch phổ biến và hiệu quả trên thế giới như quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông nước ngoài, ứng dụng marketing điện tử, thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài...
Thiếu cách…tiêu tiền
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của Việt Nam “ì ạch” cũng không thể đổ lỗi hết cho lẽ “thiếu tiền”. Bởi lẽ, ngành du lịch dường như chưa biết cách tiêu tiền hợp lý với túi tiền hạn hẹp của mình. Năm 2007, việc quảng cáo hình ảnh Việt Nam trên CNN đã ngốn 300.000 USD. Năm 2010, Tổng cục Du lịch chi gần một tỷ đồng để quảng cáo trên Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc...
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát xu hướng du lịch nước ngoài tại Trung Quốc do Nielsen công bố, ngày càng nhiều du khách truy cập internet để tìm thông tin.
61% khách du lịch tìm kiếm thông tin về điểm đến trước khi bắt đầu chuyến đi, 48% bàn luận về kế hoạch du lịch trên các diễn đàn trực tuyến...
Quảng bá trên truyền hình, phát thanh đứng gần cuối trong tốp những kênh chính mà khách dùng để tìm kiếm thông tin. Rồi chuyện in ấn tờ rơi để phát cho mọi người. PGS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch cho biết, đã có lúc, đoàn xúc tiến của Việt Nam phải "ôm" các tập gấp, tờ rơi mang về nước, vì khách ở các thị trường đó không thích đọc tờ rơi, tờ gấp mà thích tìm thông tin trên internet.
Phương án quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình BBC và CNN đã thực hiện, song bị nhiều chuyên gia về xúc tiến trong nước và ngoài nước có kinh nghiệm đánh giá không cao vì kinh phí khá lớn so với hiệu ứng đạt được. Theo các chuyên gia, đây là hai kênh truyền hình hàng đầu thế giới thiên về thời sự - chính trị - kinh tế. Do đó, khán giả xem hai kênh này ít quan tâm tới thông tin du lịch.
Xúc tiến quảng bá năm 2012 cũng chỉ quanh quẩn: Tuyên truyền trên báo, truyền hình địa phương, tờ rơi giới thiệu, một số hội nghị xúc tiến, hội chợ du lịch... Trong từng sự kiện cụ thể, hình thức thể hiện cũng không nổi bật được ý đồ quảng bá.
Đó là chưa kể tới việc, tình trạng môi trường du lịch xuất hiện ngày càng phổ biến các hiện tượng đeo bám, lừa đảo, chèn ép khách du lịch, trật tự, an ninh an toàn và hàng loạt các vấn đề khác về vệ sinh, môi trường đang ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Du lịch Việt Nam trong mắt du khách và các nỗ lực xúc tiến quảng bá đưa khách đến Việt Nam.
Nhiều chuyên gia du lịch đưa ra ý kiến, ngoài mạnh tay ổn định lại môi trường “công nghiệp không khói”, ngành du lịch không nên quảng bá dàn trải mà nên tập trung vào một số thị trường trọng điểm.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tăng cường đầu tư, trau chuốt cho các website chuyên cung cấp, hỗ trợ thông tin du lịch; đẩy mạnh tiếp thị điện tử và marketing mạng xã hội; hợp tác trong marketing để tạo sức mạnh lan tỏa và dần thay thế cho những tờ rơi truyền thống. Những “quảng cáo mạng” này chi phí rất thấp nhưng hiệu quả rất cao.
T. Dương