Việc phát triển loại hình du lịch sông-biển vẫn chưa thành hiện thực, dù tháng 6 năm ngoái, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch trên sông. Chưa được vay vốn và thiếu chỗ neo đậu tàu khiến nhiều doanh nghiệp (DN) dù muốn vẫn chưa dám đầu tư.
Cảng cá Thuận Phước cũ sẽ được thiết kế thành bến tàu du lịch trong tương lai.
Tiền chưa có, làm sao đóng tàu?
Hiện đã có 4 nhà đầu tư đăng ký đóng mới, hoán cải, nâng cấp 8 tàu du lịch với tổng số vốn 7,3 tỷ đồng, tập trung vào các loại tàu công suất 20-195CV, có sức chứa 20-100 khách và các ca-nô nhỏ. Song, theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), các DN làm hồ sơ vay vốn từ tháng 9 năm ngoái đến nay vẫn chưa được giải quyết. Công ty TNHH Đà Nẵng – Sông Hàn đã mua ca-nô và hai tàu cá để hoán cải nhưng đang tạm ngưng tiến độ vì thiếu vốn. Trong khi đó, thời hạn hiệu lực của các chính sách hỗ trợ là trước ngày 31-12-2011. Một cán bộ Sở VH-TT-DL nói rằng, nếu việc cho vay tiến hành quá chậm, rất có thể DN sẽ vụt mất cơ hội được hưởng các chính sách mở.
Trả lời về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Quỹ đầu tư và phát triển cho biết đã có văn bản gửi UBND thành phố ghi rõ: Quỹ đã tiếp nhận 2 hồ sơ dự án và thống nhất lựa chọn dự án đầu tư tàu du lịch của Công ty TNHH Đà Nẵng-Sông Hàn với tổng vốn 3,35 tỷ đồng, đưa vào danh mục dự án trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch cho vay. Tuy nhiên, dự án chưa được HĐND thành phố thông qua nên Quỹ chưa thể cho nhà đầu tư vay.
Ngoài việc thiếu vốn, ông Phạm Đức, Giám đốc Công ty Doanh thức Việt còn lo ngại: “Ngành nghề này chỉ hoạt động được trong các tháng nắng, khoảng tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, do đó, để DN mạnh dạn đầu tư, cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho DN vào những tháng mưa không làm ăn được”. Ông Đặng Hòa, Giám đốc DN tư nhân Hoàng Giang mong muốn nếu được giải quyết cho vay, bên cho vay sẽ kéo dài thời hạn cho vay từ 5-7 năm. Theo ông, nếu thời gian cho vay ngắn, DN sẽ không thể hoàn vốn kịp.
Có tàu, biết đậu ở đâu?
Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển TMDL Huy Khánh cho hay, trong giai đoạn 1, công ty ông đã vay khoảng 18 tỷ đồng trang bị 5 tàu du lịch, 6 ca-nô và 12 mô-tô nước, cùng các phương tiện đi kèm như phao chuối, sofa bay, dù bay... cho dịch vụ du lịch và thể thao trên biển. Năm nay, ông tiếp tục mở rộng đầu tư du lịch đường sông. Không có chỗ đậu tàu, ông phải tập kết các phương tiện trên ở KDL Biển Đông (thuộc bán đảo Sơn Trà). Điều này khiến ông khá khó khăn trong việc khai thác khách. “Trước đây, chúng tôi đã xin phép UBND thành phố neo đậu ở khu vực từ bãi biển Phạm Văn Đồng đến Mỹ Khê là khu rất thuận tiện cho khách tắm biển tham gia, nhưng không được. Neo đậu ở KDL Biển Đông rất ít người biết nên khách đi không bao nhiêu”, ông Hiệp nói. Thêm vào đó, tiền thuê chỗ neo đậu mỗi tháng đã chiếm tới 20% tổng chi phí, khiến giá sản phẩm đội lên, làm giảm khả năng thu hút khách bằng sản phẩm giá rẻ. Trong vòng 10 ngày tới, khi chiếc ca-nô có sức chứa 30 khách và 6 mô-tô mới được đưa về, ông Hiệp dự định sẽ thuê kho chứa.
Nhiều tàu du lịch hiện vẫn đậu rải rác trên sông Hàn, chưa có chỗ tập trung nhất định. |
Thực ra, trước đây, Sở VH-TT-DL đã phối hợp Sở Xây dựng và Công ty Tư vấn thiết kế Ánh Việt lập hồ sơ thiết kế bến tàu du lịch tại Cảng cá Thuận Phước (cũ) trình UBND thành phố phê duyệt. Tại cuộc họp rà soát quy hoạch thành phố vào đầu năm, việc thiết kế này đã được giao về cho Viện Quy hoạch thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện. Tuy chưa được tập hợp thành một đội, nhưng hiện trên sông Hàn vẫn có khoảng 15 chiếc bao gồm tàu du lịch và ca-nô hoạt động. Vì không có bến đậu, các phương tiện phải đậu rải rác dọc tuyến sông, và nhiều khách du lịch muốn đi tàu cũng không biết hỏi ai.
Trong khi chờ đợi thành phố xây dựng bến tàu, Sở VH-TT-DL đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải và các ngành chức năng chỉ đạo giải tỏa các tàu cá đang neo đậu tại cầu tàu Cảng cá Thuận Phước về âu thuyền Thọ Quang, lấy cầu tàu này làm bến neo đậu tạm thời cho các tàu du lịch. Để thông qua đó, các DN có thể treo băng-rôn quảng bá hành trình đi, giá cả, dịch vụ...
Bài và ảnh: HẰNG VANG