Sáng kiến đặc biệt
Theo kế hoạch, những người tham gia “Hành trình xanh về Vùng Đất Thép” sẽ được tham quan Lâm viên đảo khỉ Cần Giờ; đi ca nô len lỏi trong rừng đước, thăm di tích Khu Căn cứ Cách mạng Rừng Sác, tìm hiểu về cuộc sống, các trận đánh và chiến tích của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác trong thời kỳ chiến tranh.
Nhiều người vui mừng, háo hức với chuyến đi. Với họ, đây là khoảng thời gian thư giãn, thả lỏng bản thân sau những ngày căng mình chống dịch. Tương tự, nhiều nhiều y, bác sĩ trong đoàn tham quan điểm du lịch Củ Chi (là một điểm đến trong “tour xanh”) cũng tỏ ra thích thú khi lần đầu tiên đi du lịch sau nhiều tháng miệt mài chống dịch.
Từ thời điểm TP.HCM trở thành “tâm dịch”, đến nay, lực lượng y bác sĩ đã luôn nỗ lực hết mình để đầy lùi dịch bệnh. Nhiều y bác sĩ gần nửa năm chưa thể trở về nhà. Có thể nói, đây là hành động thiết thực nhằm tri ân, thể hiện sự biết ơn của người dân nói chung và ngành du lịch nói riêng đối với sự cống hiến của lực lượng “áo trắng”.
Từ 25/9, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tiếp tục tổ chức thêm 5 tour Cần Giờ, 3 tour Củ Chi nhằm cảm ơn y bác sĩ chống dịch. Trước đó, ngày 19/9, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cũng đã tổ chức tour Về nguồn viếng Nghĩa trang Đặc công Rừng Sác, tham quan khu du lịch rừng ngập mặn… cho đội ngũ 60 nhân sự tuyến đầu chống dịch.
Ngoài TP.HCM, ngành du lịch các địa phương khác cũng có những chương trình riêng tri ân lực lượng y, bác sĩ, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chống dịch. Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức cách ly cho đội ngũ y bác sĩ tham gia chống dịch theo hình thức nghỉ dưỡng. Theo đó, đã có gần 40 y, bác sĩ đang tham gia cách ly theo mô hình nghỉ dưỡng tại Khu nghỉ dưỡng Tui Blue Nam Hội An. Họ là những người đã tăng cường hỗ trợ y tế cho các tỉnh khu vực phía Nam. Hiện nay, Quảng Nam tiếp tục kêu gọi các nguồn xã hội hóa tham gia hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ được cách ly theo mô hình nghỉ dưỡng nói trên.
Những sáng kiến trên không chỉ là bước đệm để đưa du lịch trở lại mà còn là sự sẻ chia, san sẻ cùng với đội ngũ y bác sĩ tham gia chống dịch. Bác sĩ Trần Đức Thuận, Trưởng đoàn BV 74 Trung ương: “Tôi đã đến TP.HCM nhiều lần nhưng đây là lần đầu đến Cần Giờ. Môi trường của các chiến sĩ cách mạng ngày xưa, đến với địa danh hào hùng của dân tộc chiến thắng giặc Mỹ, không khí rất trong lành”.
Anh Nguyễn Tấn Công, hướng dẫn viên Saigontouris: “Xác định đây là tour mang ý nghĩa tri ân lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, tất cả anh chị em hướng dẫn lữ hành Saigontourist đều dặn lòng phải nỗ lực phục vụ bằng 100% tâm huyết của mình, xem những vị khách đặc biệt này vừa như người thân, vừa là những thượng khách. Bởi sau tất cả những cống hiến và hy sinh của lực lượng xung kích trong ngành y tế, họ xứng đáng nhận được đền đáp từ xã hội”.
Các chuyến du lịch dành cho y bác sĩ tại TP.HCM được tổ chức theo hình thức “bong bóng khép kín”, người tham gia phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện phòng chống dịch như đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ… Thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này đến các địa phương “vùng xanh”.
Sẵn sàng khởi động du lịch
Trong khi đó, Hà Nội cũng đã có kế hoạch triển khai các “tour an toàn”. Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng đang kỳ vọng vào thị trường khách nội địa, xây dựng các sản phẩm đặc thù, hấp dẫn, trong đó chú trọng vào sản phẩm du lịch văn hóa. Ví dụ như Công ty Du lịch quốc tế ITC phối hợp cùng một số công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa Một ngày khám phá Hà Nội và sản phẩm Khám phá mùa Thu Hà Nội; Công ty Hanoitourist sẽ thí điểm đưa khách đến Đường Lâm là chương trình du lịch an toàn mẫu. Nếu thành công, đơn vị này sẽ trình lên các cơ quan chức có thẩm quyền để xem xét, quyết định triển khai sớm.
Ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cho các khu, điểm du lịch. Đồng thời, mở rộng hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm và tổ chức sự kiện) gắn với đăng cai tổ chức các sự kiện lớn, tiêu biểu. Sở Du lịch Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị liên kết xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên biệt nhằm tạo những trải nghiệm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong tình hình mới.
Tại miền Trung, Thừa Thiên - Huế đã thông báo điều chỉnh một số biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch. Đáng chú ý, từ 28/9, các di tích lịch sử, văn hóa, khu điểm du lịch, danh lam thắng cảnh được hoạt động khu vực ngoài trời, nhưng không tổ chức tham quan, hoạt động trong nhà. Sinh hoạt tôn giáo được phép tổ chức, nhưng không quá 50 người và không quá 50% công suất tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh được phép hoạt động (trừ các khu vực thực hiện Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ) và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ GTVT. Ngoài ra, địa phương này cũng đã có những phương án mới để kích thích du lịch nội tỉnh, đồng thời lên kế hoạch đón khách, trong đó có lực lượng tuyến đầu là y bác sĩ.
Là trung tâm du lịch ở Tây Nguyên, Lâm Đồng đã cho phép mở lại hoạt động du lịch nội tỉnh và lên kế hoạch đón khách du lịch nội địa vào tháng 11 tới với những điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh như: Khách đến du lịch tiêm đủ liều vaccine theo quy định hoặc có giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Ngoài ra khách đến Lâm Đồng phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ, đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành và có hợp đồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch theo quy định.
Một loạt tỉnh, thành khác như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Giang... cũng đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch nội tỉnh, lên kế hoạch mở rộng đón khách các địa phương theo chiến dịch “du lịch xanh” cũng như sẵn sàng chuẩn bị đón khách quốc tế khi được cho phép.