Hơn 150 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, UBND và Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới T.Ư, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành... đã tham dự hội thảo.
Hội thảo nhằm thảo luận, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ở nước ta hiện nay, đồng thời bàn về giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp; tạo diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và truyền thông để hoạt động du lịch nông nghiệp có sự phát triển đột phá, hiệu quả.
Theo Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt – ông Lưu Quang Định: “Nước ta là một nước nông nghiệp với tiềm năng rất lớn về làm du lịch với những vườn cây ăn trái, trang trại, cánh đồng lúa…, có những điểm đến rất đẹp khiến khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài mê thích. Nhưng Việt Nam còn chưa khai thác hiệu quả được các tiềm năng này. Nếu chúng ta phát triển du lịch nông nghiệp mạnh sẽ đem lại lợi ích cho cả du lịch lẫn nông nghiệp. Du lịch sẽ có thêm điểm đến mới hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Còn người nông dân bên cạnh thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi thì có thể được thêm những nguồn thu, giá trị gia tăng rất lớn từ du lịch”. Thực tế, phần lớn các hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Hầu hết bà con nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư đảm bảo chất lượng...
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: “Giữa du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời phải có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù, hấp dẫn và có phương thức tiếp thị, quảng bá, xúc tiến hiệu quả”.
Hội thảo đã giới thiệu nhiều mô hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp hiệu quả, như: Mô hình du lịch nông nghiệp tại các làng nông nghiệp truyền thống vùng Ba Vì (Hà Nội) của Trang trại Đồng quê Ba Vì; Du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Hồng của Công ty Du lịch Ngôi sao Ninh Bình; Mô hình du lịch cộng đồng của Công ty CBT Việt Nam…
Tại hội thảo, đại diện các Sở VHTTDL Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang, các công ty lữ hành Vidotour, Saigontourist, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội phát triển du lịch nông nghiệp Đài Loan... đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, canh nông, làng nghề…, gợi mở hướng khai thác tiềm năng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc của từng địa phương, đồng thời cũng nêu những đề xuất, kiến nghị góp phần tháo gỡ những “nút thắt” của du lịch nông nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về những định hướng và bước đi mới để phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn tới, trong đó ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, quy hoạch, định hướng và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, đặc biệt trong phạm vi vùng và từng địa phương.
Đồng thời, cần đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại), có kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu, bản đồ du lịch nông nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao, khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả.