Ăn xin thật hay giả dạng?
Đến dịp lễ hội, du khách chắc chắn không còn xa lạ với hình ảnh “người hành khất” xuất hiện la liệt tại các cổng đền, chùa những năm gần đây. Về hình thức, đa số họ đều mang một “khuôn mẫu” chung của người ăn xin là hoàn cảnh khốn khổ, dáng vẻ tiều tụy hay thân hình bị biến dạng “kỳ cục”.
Những người ăn xin cụt tay cụt chân, không phân biệt độ tuổi và giới tính, những cụ già gần đất xa trời, đứa trẻ non nớt trong vòng tay mẹ nằm vạ vật hay cặp vợ chồng đẩy nhau trên chiếc xe lăn là những hình ảnh trở đi trở lại trong hầu hết các lễ hội ở nước ta.
Người thì nằm la liệt, lê lết trên đường, kẻ lại cố len lỏi giữa dòng người đông đúc kéo chân người hành hương xin tiền, tất cả đều thêu dệt nên một bức tranh “ăn xin” đầy phản cảm, làm xấu đi hình ảnh của chốn linh thiêng đình chùa. Thậm chí, tình trạng này liên tục tiếp diễn trong những năm gần đây đã biến lễ hội Việt Nam trở thành “chốn làm ăn”.
Theo một số hình ảnh trên mạng xã hội ghi nhận tại lễ hội chợ Viềng (Nam Định), vốn là một trong những lễ hội lớn của khu vực phía Bắc, với phong tục “đi chợ Viềng để mua may bán rủi” thu hút đông đảo du khách hành hương, nhưng cũng đồng nghĩa với hiện tượng vô số người ăn xin về đây tụ điểm.
Lạ thay, có những người ăn xin nhìn dị dạng thật, khiếm khuyết cơ thể, không có tay hoặc chân đang đưa chiếc nón lá ra để xin tiền người qua lại, nhưng khi bắt gặp máy quay họ lại “nhanh như tia lửa”, lập tức ôm đồ nghề chạy ra khỏi phạm vi ống kính. Theo phản ánh của người dân, có những người ăn xin ngụy tạo bằng cách mặc những bộ quần áo rộng để che đi “những bộ phận không cần thiết”.
Như GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nhận định: “Tình trạng người đi ăn mày không chỉ riêng ở Việt Nam mà các nước cũng có người ta vẫn thường gọi là “ăn mày thánh”.
Quả thực, nhìn bề ngoài không phải “ai cũng như ai”, đằng sau những dáng vẻ “bần hàn, khắc khổ” ấy lại có một bộ phận được “ngụy trang tinh vi” đội lốt kẻ ăn mày. Người giả ăn xin cũng có dăm ba loại, kẻ do lười lao động, người lại bị chi phối bởi “đường dây chăn dắt” ăn xin trá hình do bị ép buộc gây nên sự bất bình trong xã hội, hay tình trạng nhà sư làm ăn xin trên danh nghĩa “từ thiện cho nhà chùa, quyên góp cho trẻ em mồ côi, phúc lợi cho xã hội” cũng có thể bị giả mạo, bóp méo.
Vô hình trung việc cho tiền người ăn xin đã vô tình khuyến khích sự lười nhác lao động của những người khỏe mạnh nhưng “đội lốt” kẻ bần hàn, lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác, gây nên thói ỷ lại, hoặc tiếp tay cho “bộ phận chăn dắt” thực hiện hành vi bóc lột sức lao động.
Từ bao đời nay, du lịch lễ hội là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, lễ hội được tạo nên bởi sự linh thiêng của phần lễ kết hợp trong không khí tưng bừng của phần hội với các phong tục dân gian truyền thống và hiện đại.
Vốn dĩ, người ta đi lễ với tâm trạng tươi vui, phấn khởi để đón chào một năm mới với những thành công, cầu mong gia đình thuận hòa sung túc. Nhưng bên cạnh những nét văn hóa này, khách hành hương không khỏi phiền lòng trước nạn ăn xin ở khắp ngả đường trong các quần thể di tích. Trong hàng trăm, hàng ngàn lễ hội lại có những “hạt sạn” như thế khiến ta buộc lòng phải suy ngẫm.
Nạn ăn xin gây phản cảm cho du khách
Từ góc độ lễ hội nhìn ra ngành du lịch, vấn đề này đặt ta vào một tâm thế của người đi du lịch. Khi mà nạn ăn xin trở thành một hình ảnh phản cảm gây ra sự phiền lòng cho du khách, cả cảm giác ái ngại bởi “không cho thì ngại, mà cho thì lại có cảm giác hoài nghi rằng mình có đang cho nhầm người” thì thử hỏi còn ai hứng thú đi du lịch, bên cạnh đó nạn ăn xin đang làm trầm trọng hơn sự thiếu hụt về lượng du khách trong thời gian tới.
Đi lễ tại đền Bà Chúa Kho, chị Vũ Thanh Hương (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) than phiền: “Đến đền Bà Chúa Kho, du khách không chỉ mệt vì cảnh chen chúc do quá đông người mà còn bị các đối tượng ăn xin quấy nhiễu khắp nơi.
Bản thân tôi đã tận mắt chứng kiến những người khỏe mạnh nhưng vẫn cố tình lăn lộn ra đường gào khóc thảm thiết để kêu gọi sự thương hại của khách qua đường. Họ đeo bám dai dẳng quá nên tôi đành rút tiền cho họ để khỏi mất thời gian. Nhưng hình ảnh này đã khiến lễ hội ngày càng trở nên đáng sợ khiến nhiều du khách một đi không trở lại”.
Ngành du lịch phát triển không chỉ được đánh giá dựa trên các danh lam thắng cảnh, các giá trị vật chất, mà còn thu hút “khách thập phương” bởi giá trị tinh thần, một nền văn hóa đã có bản sắc riêng. Mà lễ hội chính là dịp để mỗi đất nước có cơ hội quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, các phong tục tập quán tốt đẹp nhằm thu hút du khách không chỉ trong nước mà còn hướng tới du khách quốc tế.
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2018 /NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, theo đó lễ hội phải được tổ chức trang trọng, hiệu quả, tránh phản cảm, khắc phục những biến tướng thương mại hóa lễ hội.
Dù đã có văn bản ban hành, cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành quản lý tuy nhiên vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Nạn ăn xin không còn mới, nhưng một khi không dứt điểm được tình trạng trên sẽ làm mất đi vẻ đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội từ bao đời nay. Khi đó, liệu rằng du khách có còn thích thú với việc hành hương, cầu lễ nữa không sẽ là một câu hỏi lớn cần giải đáp.