Ngày 29/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), UBND tỉnh này đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Bình Định trong tình hình mới”.
Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; lãnh đạo Tổng cục Du lịch; các chuyên gia kinh tế; các nhà đầu tư chiến lược; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh Bình Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, từ khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch (ngày 15/3), ngành du lịch đã phục hồi với nhiều tín hiệu tích cực. Tỉnh Bình Định đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và trong nước, lượng khách du lịch, tổng thu, đóng góp của du lịch vào GDP ngày càng tăng. Quý I/2022, Bình Định đón được gần 1 triệu lượt khách, tăng gần 27%; doanh thu đạt 1.312 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
“Lãnh đạo tỉnh mong muốn ngoài phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thì Bình Định có nét đặc trưng riêng, đó là du lịch khám phá khoa học. Tại hội thảo lần này, tỉnh Bình Định mong các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia có những giải pháp đề xuất, góp ý để chúng tôi định hướng thúc đẩy phát triển ngành du lịch Bình Định xứng tầm trong tương lai”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Du lịch khám phá khoa học - nét đặc trưng riêng của Bình Định. |
Tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, để góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch Bình Định tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng, trước mắt Bình Định cần tập trung khai thác tốt các thị trường đã khôi phục kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã có chính sách nới lỏng hoặc mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.
Đồng thời, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo thành thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, gồm: sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp; du lịch thể thao, giải trí trên biển (công viên biển, lặn ngắm san hô, câu cá giải trí, dù lượn, lướt sóng, bóng chuyền trên bãi biển); du lịch sinh thái biển (đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, đầm Trà Ổ…); du lịch tham quan, thắng cảnh biển đảo (Kỳ Co, Eo Gió, Cù Lao Xanh, Trung Lương, Vĩnh Hội).
Một góc phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. |
Bên cạnh đó, hình thành các tuyến du lịch gắn với điểm đến là các võ đường, làng nghề truyền thống; các di tích lịch sử - văn hóa, di tích về phong trào Tây Sơn; hệ thống tháp Chăm… Phát triển các điểm biểu diễn nghệ thuật Tuồng, bài chòi dân gian, võ cổ truyền Bình Định…
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Bình Định cần xác định mục tiêu hướng đến đó là phải xây dựng “chân dung” du lịch Bình Định mang đẳng cấp riêng. Để hướng đến mục tiêu này, Bình Định cần tập trung xây dựng các tuyến phố du lịch và phát triển kinh tế đêm, phát triển Khu du lịch Hải Giang MerryLand, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Liên kết phát triển du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, trọng tâm là tiểu vùng Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Kon Tum và Bình Định đóng vai trò chức năng là trung tâm văn hóa hội tụ và lan tỏa.
UBND tỉnh Bình Định ký kết hợp tác chiến lược với các hãng hàng không. |
Tại hội thảo, UBND tỉnh Bình Định đã ký kết hợp tác chiến lược với các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines nhằm tạo điều kiện khai thác tiềm năng phát triển du lịch Bình Định.