Đang là xu hướng thế giới
Tại Thái Lan, nhiều du khách sẵn sàng chi trả hơn 2.240 USD cho tour du lịch “golf quarantine" (cách ly và chơi golf). Đây là được xem là ngành du lịch thế mạnh tại xứ sở "chùa Vàng" và có cơ hội phục hồi nhanh chóng sau đại dịch toàn cầu.
Một nhóm khách đến từ Hàn Quốc đã trải nghiệm chương trình cách ly chơi golf mà Chính phủ Thái Lan đề xuất nhằm kích cầu du lịch trong bối cảnh Covid-19. Tại đây, trong vòng hai tuần cách ly tập trung, du khách người nước ngoài này có cuộc sống thoải mái chơi golf và tận hưởng nghỉ dưỡng. Với chỉ 41 khách du lịch chơi golf nhưng có tới 100 nhân viên phục vụ, ông Heo Kwang-eum – một doanh nhân trong đoàn khách du lịch cho biết, dịch vụ ở đây khiến ông cảm giác bản thân như một ông vua.
Theo ông Ku Jung-keun, Tổng Giám đốc Artitaya Country Club, du khách sẽ phải chi trả 2.240 USD cho 14 ngày sống tách biệt trong phòng khách sạn. Khách mua gói cách ly này sẽ được xét nghiệm Covid-19 ba lần, dịch vụ ăn ở, chơi golf và hàng ngày có bác sĩ kiểm tra sức khỏe (không kèm vé máy bay).
Khu nghỉ dưỡng Artitaya là một trong 6 resort được Chính phủ Thái Lan cho phép đón khách tới cách ly và chơi golf. Ngoài ra còn có Mida, Evergreen Hill, Blue Star tại tỉnh Kanchanaburi, Sawang Resort ở Phetchaburi và Artitaya tại Chiang Mai. Ngành du lịch này được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu ít nhất 100.000 baht (tương đương hơn 3 nghìn USD) cho Thái lan trong tương lai tới.
Trên thế giới, Mỹ và Nhật Bản là các quốc gia dẫn đầu về du lịch golf. Riêng Nhật Bản đã sớm trở thành tâm điểm "bùng nổ" golf ở châu Á và nhanh chóng lan rộng đến các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.
Trong thời điểm hiện nay, du lịch golf lại được xem là loại hình mang lại nhiều đột phá cho ngành du lịch hậu đại dịch. Sự gia tăng về nhu cầu chơi golf được lý giải bởi môn thể thao này có những đặc thù "đo ni đóng giày" cho các khuyến cáo về an toàn và giãn cách hiện nay.
Trước tiên, đây là một trong những môn thể thao hiếm có không đòi hỏi nhiều sự tiếp xúc gần giữa các người chơi, giúp duy trì khoảng cách an toàn trên sân đấu. Trên một sân golf rộng đến hàng chục ha với mỗi flight chỉ giới hạn với 4 golfer, sự giãn cách giữa người với người được đảm bảo. Mỗi golfer đều tự trang bị các dụng cụ riêng gồm bộ gậy, bóng golf, que đỡ bóng (tee)… vì vậy hạn chế được sự tiếp xúc chung.
Mặt khác, theo nhiều chuyên gia y tế, việc vận động ngoài trời dưới ánh nắng và tận hưởng không khí trong lành chính là liều thuốc tuyệt vời cho hệ miễn dịch ở thời điểm dịch bệnh. Do đó, số lượng người chơi golf ngày càng tăng. Đặc biệt, xu hướng du lịch golf kết hợp nghỉ dưỡng, thư giãn trong thời điểm dịch bệnh sẽ tạo cơ hội để nhiều quốc gia có thể phục hồi du lịch.
Thách thức, cơ hội cho Việt Nam
Việt Nam cũng được xem là thị trường "vàng" cho du lịch golf. Tạp chí Forbes từng đánh giá Việt Nam là quốc gia có sự phát triển golf nhanh bậc nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới” và “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” trong 4 năm liên tiếp từ 2017 - 2020.
Những năm gần đây cùng với sự phát triển của hạ tầng du lịch, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp ra đời, hệ thống sân golf ở Việt Nam cũng được đầu tư. Ở nhiều vùng du lịch lớn, bên cạnh việc phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, việc phát triển hệ thống sân golf cũng được quan tâm. Sân golf ở Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao, cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt thời tiết, cảnh quan, du lịch golf ở Việt Nam hiện vẫn chỉ tập trung ở nhóm đối tượng có mức sống trung bình cao. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, muốn kích cầu các tour du lịch golf trong nước cần có gói đánh golf riêng với giá thấp hơn nhiều so với hội viên chơi golf. Trong khi đó, hầu hết các chủ sân golf giữ quan điểm “golf là sản phẩm đẳng cấp và du lịch golf phải là sản phẩm cao cấp”.
Dù các sân golf sẵn sàng thương lượng với doanh nghiệp lữ hành các gói sản phẩm cụ thể với từng thị trường nhưng đa phần chủ sân golf cho rằng: “Khi chơi golf, loại hình dịch vụ cấp cao, khách hàng phải chấp nhận trả tiền cao để xứng đáng với giá trị đầu tư và giá trị hưởng thụ”, “giảm giá có thể khiến loại hình này mất đi tính đẳng cấp”. Chính điều này đã hạn chế đối tượng khách hàng của loại hình du lịch này.
Cùng với đó, việc chơi golf, thu hút các giải golf chuyên nghiệp cũng như phát triển loại hình du lịch golf ở Việt Nam vẫn đang trong những bước khởi đầu, còn chập chững với không ít khó khăn, rào cản, hạn chế. Phát triển du lịch golf ở Việt Nam còn mới mẻ cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Đào tạo golfer trẻ ở nước ta cũng chưa có cơ sở phát triển và thành tựu nổi bật.
Xét về tiềm năng dài hạn, du lịch kết hợp giữa nghỉ dưỡng và chơi golf hoàn toàn có thể trở thành một kho báu của du lịch Việt, trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới về thị trường golf.