Phải phạt thì mới nhớ
Các nước trên thế giới đều có những hình phạt khắt khe cho những hành vi vô ý thức nơi công cộng, và sát sao thực hiện, kiểm tra để đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị. Ở Mỹ, việc viết, vẽ bậy trên các khu di tích, điểm tham quan, và nơi công cộng như bệnh viện, công viên, nghĩa trang….tùy theo mức độ thiệt hại có thể bị phạt tới 7 năm tù cùng với tiền phạt khoảng $15.000 (khoảng 350 triệu đồng).
Còn theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhật Bản cũng có các quy định cấm vẽ bậy tại nhiều nơi công cộng; người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000-300.000 yên (khoảng 2-70 triệu đồng) và ngồi tù dưới 3 năm.
Ngoài ra, việc khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng ở Singapore có thể bị phạt tới 17 triệu đồng (khoảng 1.000 đô Singapore). Việc hút thuốc không đúng nơi quy định ở Nhật sẽ bị phạt “nóng” đến 8 triệu đồng. Ở nhiều nước, việc gây ồn ào, nói chuyện lớn tiếng, gây mất trật tự nơi công cộng là điều cấm kỵ, sẽ bị phạt tiền hoặc bỏ tù ngắn ngày. Nhiều du khách Việt tại nước ngoài do “quen thói tùy tiện” như ở nước nhà đã phải “ngậm ngùi trả giá” cho sự thiếu hiểu biết của mình.
Ở Việt Nam, dễ thấy thực trạng báo động từ việc thiếu ý thức giữ gìn không gian, vệ sinh nơi công cộng đang tàn phá mỹ quan đô thị, và các điểm du lịch như thế nào. Nói riêng về vẽ bậy, không chỉ ở nhiều địa điểm tham quan, chùa chiền nổi tiếng ở Hà Nội, như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà thờ Lớn, tháp Hòa Phong (chùa Báo Ân)… mà đâu đâu người ta cũng nhìn thấy chi chít những “bút tích tâm tình”, thể hiện tình cảm, chửi thề … ở nhiều nơi công cộng như trên tường, cột điện, gầm cầu, gốc cây... gây mất thiện cảm với cư dân lẫn du khách.
Do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam đối với người dân trong nước lẫn bạn bè quốc tế, nhiều cư dân mạng bức xúc yêu cầu “cấm những người ý thức kém đi du lịch nước ngoài”.
Đâu đâu cũng thấy 'bút tích' vẽ bậy |
Du lịch văn minh, bắt đầu từ ý thức
Theo quy định tại Điều 34, Nghị định 75/2010/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân nào có hành vi làm hoen ố di tích văn hóa, lịch sử thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng; tùy theo mức độ thiệt hại có thể phạt tới 40 triệu đồng, và có trách nhiệm khắc phục hậu quả, tức khôi phục trạng thái ban đầu trước khi bị làm hoen ố.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 272, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009, nếu hậu quả gây ra nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm, thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 2 triệu đến 20 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp việc thực hiện hành vi này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Đầu năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch nhằm định hướng và nhắc nhở du khách những điều nên - không nên làm khi đặt chân đến mỗi địa danh, trong đó có các quy tắc như xếp hàng theo thứ tự, tuân thủ giờ giấc, trang phục lịch sự, ứng xử văn minh, không chen lấn, không ăn trộm, không khắc, vẽ lên tường, tượng, bia đá, cây xanh, công trình kiến trúc; hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ, trêu chọc vật nuôi tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng….
Tuy nhiên, những quy định trên phải chăng vẫn chưa phát huy được tác dụng, vì thế những hành vi viết, vẽ bậy vẫn diễn ra tràn lan, ngang nhiên và ngày càng phức tạp?
Các chuyên gia cho biết, hành vi viết, vẽ bậy lên di tích hoặc xả rác bừa bãi tại các địa điểm du lịch chủ yếu đến từ thói quen và sự thiếu ý thức của người dân. Vì vậy, để cải thiện tình hình, trước hết chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quy tắc ứng xử văn minh mà cơ quan chức năng đã đề ra vào đời sống xã hội.
Theo đó, các công ty lữ hành, quản lý tour cũng phải phối hợp triển khai, xây dựng và phổ biến những quy tắc du lịch văn minh và quản lý hành vi của du khách. Ví dụ, khuyên khách không nên gây ồn ào, xếp hàng trật tự, không lãng phí thức ăn, không vứt rác bừa bãi… và giải thích cho họ hiểu việc thực hiện các điều này không chỉ giữ gìn hình ảnh đẹp của du khách Việt Nam mà còn tránh được nhiều điều không hay như bị phạt, trục xuất hoặc thậm chí bị giam giữ, và nhận được tối đa những lợi ích từ chuyến đi.
Qua thực tế thực hành, nhiều công ty lữ hành đồng tình, việc tuyên truyền, nhắc nhở trước với du khách về quy cách ứng xử đã hạn chế đáng kể những hành vi xấu, kém văn minh lịch sự; bởi chính du khách trong các đoàn cũng khó chịu bởi những hành vi xấu xí của khách khác, và đoàn kết hơn khi không có những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Quả thực, nền du lịch muốn văn minh thì phải bắt đầu từ ý thức, nhưng phải đi cùng với sự nghiêm trị của luật pháp, để những kẻ vi phạm phải nhận hình phạt đích đáng, làm gương cho những người khác.