Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tuyển chọn từ cao xuống thấp theo các tiêu chí: Tổng điểm 3 môn thi đại học, thành tích Olympic quốc tế, học sinh giỏi khu vực và quốc gia...
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đối tượng dự tuyển du học từ ngân sách Nhà nước năm 2011 sẽ có 3 nhóm.
Các thủ khoa khối A năm 2010 của những trường đại học tại Hà Nội được nhận học bổng Chắp cánh tài năng Việt |
Kết quả thi tốt nghiệp THPT: Rất quan trọng
Nhóm thứ nhất: Sinh viên đoạt giải Olympic quốc tế 2010 hoặc đoạt giải Olympic quốc tế năm 2009 nhưng chưa tốt nghiệp THPT năm đó (nhóm này không hạn chế chỉ tiêu).
Nhóm thứ hai: Đối tượng đạt tổng điểm thi đại học năm 2010 cao nhất ở tất cả các khối theo đề thi chung cả 3 môn thi của Bộ GD-ĐT (gồm khối A, B, C, D); với các khối M, N, H, T, V, S, R chỉ tuyển một sinh viên đạt tổng điểm tuyển sinh đại học năm 2010 cao nhất cho mỗi khối.
Nhóm thứ ba: Đối tượng đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học tối thiểu là 20 điểm (tối đa 5 chỉ tiêu).
Ngoài ra, có tối đa 40 chỉ tiêu cho con liệt sĩ và thương binh, có bố hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học tối thiểu là 20 điểm. Đối với đối tượng có hộ khẩu, có bố hoặc mẹ đang sinh sống tại các tỉnh thuộc khu vực ưu tiên và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học tối thiểu là 20 điểm cũng được dự tuyển (tối đa 3 chỉ tiêu/tỉnh).
Miễn yêu cầu về ngoại ngữ cho thủ khoa
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ứng viên là những sinh viên đã đoạt huy chương Olympic quốc tế, các thủ khoa, sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được miễn yêu cầu về ngoại ngữ. Sinh viên dự tuyển đi học ở Đức, Pháp và các nước sử dụng tiếng Đức, Pháp trong học tập sẽ được tổ chức học ngoại ngữ tối đa một năm trước khi lên đường du học.
Sinh viên dự tuyển đi học tại Nga, các nước SNG sử dụng tiếng Nga, tại Trung Quốc sẽ được học tiếng Nga, tiếng Hán toàn phần hoặc bán phần tại nước ngoài và tại Việt Nam. Sinh viên đăng ký học tại các nước sử dụng tiếng Anh khi đăng ký dự tuyển phải có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh 450 điểm TOEFL hoặc 5.0 điểm IELTS. Sau khi trúng tuyển, sinh viên sẽ được tham dự khóa học bồi dưỡng tiếng Anh tối đa 6 tháng của Bộ GD-ĐT.
Đối với sinh viên dự tuyển đi học tại Hàn Quốc, Nhật Bản, khi dự tuyển phải có chứng chỉ về ngoại ngữ là tiếng của các nước đó với thời gian học ít nhất 6 tháng. Sau khi trúng tuyển, phải học thêm ngoại ngữ cho đạt trình độ quy định của trường nước ngoài.
Tuyển chọn từ cao xuống thấp
Bộ GD-ĐT sẽ tuyển chọn sinh viên đăng ký ngành học theo thứ tự ưu tiên gồm: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, môi trường và khoa học xã hội. Sinh viên cần đăng ký ngành học sẽ học tại nước ngoài theo đúng khối ngành đã trúng tuyển ở Việt Nam hoặc ngành đã đoạt giải Olympic quốc tế. Thời hạn nộp hồ sơ: Trước ngày 30-11-2010.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tuyển chọn từ cao xuống thấp theo các tiêu chí: Tổng điểm 3 môn thi đại học, thành tích Olympic quốc tế, học sinh giỏi khu vực và quốc gia; tổng điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm trung bình các năm học phổ thông; điểm ngoại ngữ; chỉ tiêu học bổng... Kết quả xét tuyển sẽ được công bố trong tháng 1-2011.
Cấp học phí tối đa: 75.000 USD/khóa học Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm Bộ GD-ĐT sẽ trả học phí ở mức tối đa 75.000 USD/toàn khóa học, các loại phí, bảo hiểm, vé máy bay, chi phí đi đường và sinh hoạt phí cho các sinh viên. Về phía sinh viên, phải cam kết chấp hành sự điều động, phân công công tác của Nhà nước sau khi tốt nghiệp, trường hợp vi phạm các quy định sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí. |
Theo NLĐ