Dự án thép Cà Nà có qui mô vốn khổng lồ tới gần 9,8 tỷ USD, tại Ninh Thuận có thể bị rút phép sau 2 năm bị treo, không khởi công theo tiến độ cam kết.
Nhiều dự án thép "tỷ đô" bị treo tiến độ |
Thông tin này vừa được ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết. Đây là dự án lớn nhất của ngành thép từ trước tới nay, đồng thời cũng là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất. Năm 2008, dự án này đã được cấp phép cho liên doanh Tập đoàn Lion Group của Malaysia và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), trong đó, Vinashin chỉ góp 24% vốn tính cả giá trị quyền sử dụng đất. Ngày 23/11/2008, dự án này đã được động thổ. Theo tiến độ cam kết, giai đoạn I (2008-2011), nhà đầu tư sẽ phải xây xong nhà máy thép cuộn cán nóng công suất 4,5 triệu tấn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, toàn bộ công việc xây dựng nhà máy này vẫn… chưa có gì tiến triển. Sau lễ động thổ, công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ được thực hiện một phần và Vinashin đã bỏ ra hơn 83 tỷ đồng để triển khai việc này. Còn nhà đầu tư Lion Group tỏ ra không có năng lực tài chính để theo đuổi dự án này. Tổng diện tích dự án thép Cà Ná là 1.650 héc-ta mặt đất và 330 héc-ta mặt biển, tại thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Qui mô công suất 4 giai đoạn (2008 - 2025) của dự án là 14,42 triệu tấn thép thô/năm, với các sản phẩm chính gồm thép cuộn cán nguội, cán nóng, thép tấm, thép mạ. Trong đó, giai đoạn I (2008-2011), hoàn thành đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy thép có công xuất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm; hai nhà máy nhiệt điện tổng công suất 1.450 MW (gồm 1 nhà máy điện chính có công suất 750 MW và 1 nhà máy điện dự phòng công suất 700 MW); cảng biển có công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm... Trao đổi với báo giới, ông Bùi Quang Chuyện cho hay, khả năng triển khai dự án khổng lồ này là rất khó. Thậm chí, có giai đoạn, chính quyền địa phương đã không thể liên lạc được với chủ đầu tư dự án này, vì nhà đầu tư về Malaysia. Tại Việt Nam, nhà đầu tư này lại không có đại điện, cũng không có trụ sở, văn phòng đặt tại khu dự án như thông thường. Theo thông tin từ phía Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, đây là dự án nhóm A, trước khi cấp phép đầu tư, đều đã có ý kiến thỏa thuận của 5 bộ liên quan và có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng liên doanh đầu tư dự án này, hai Tập đoàn Vinashin và Lion Group chưa thành lập bộ máy quản lý dự án. Thời gian qua, chỉ có Vinashin có triển khai chút ít, còn Lion Group gần như chưa có đóng góp gì nhiều. Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận khẳng định, trong quá trình làm việc, Lion Group đã viện dẫn nhiều lý do cho sự chậm trễ tiến độ dự án của mình. Khi giải trình với UBND tỉnh Ninh Thuận, nhà đầu tư này cho hay, do khủng hoảng kinh tế nên gặp khó khăn về tài chính. Không chỉ vậy, để triển khai được dự án, nhà đầu tư này còn đưa ra những “đòi hỏi” rất phi lý về chính sách như việc Chính phủ cần bảo lãnh cho tập đoàn trong việc vay vốn ngân hàng. Trong bối cảnh thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào, tập đoàn này còn đề nghị Chính phủ Việt Nam “bảo hộ” cho nhà máy thép. Đây là những đòi hỏi không phù hợp với chính sách kinh tế thị trường hiện nay. Được biết, qua kiểm tra của Bộ Công Thương, Lion Group không có tên trong danh sách 150 nhà sản xuất, luyện cán thép lớn nhất thế giới. Với tình hình này, nhà đầu tư Việt Nam còn lại là Vinashin đang phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, không được phép triển khai các dự án ngoài ngành, không khả thi thì lẽ dĩ nhiên, khả năng làm "sống" dự án này của các chủ đầu tư là bế tắc. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận dự kiến sẽ phải thu hồi giấy phép của nhà đầu tư này. Song để thuận lợi, tỉnh này cũng đang phải nhờ các bộ ngành kêu gọi nhà đầu tư khác vào thế chân Lion Group hoặc sử dụng diện tích dự án để điều chỉnh thành dự án khác cho hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Theo Phạm Huyền
VietNamNet
VietNamNet