Để hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết sau khi Ngân hàng thế giới (WB) gia hạn lần chót vào tháng 12/2011, dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang phải “đua” với thời gian để tìm nhà thầu. Liên tục gặp “trục trặc” do nhà thầu Trung Quốc Ngày 27/8, đại diện Ban quản lý dự án (BQL DA) Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) cho biết đang tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng gia hạn với WB. Như vậy, tiến độ của dự án này một lần nữa dời đến 31/12/2011 (thay vì phải hoàn thành cách đây 3 năm trước). Dù là một trong những dự án trọng điểm của TP vay vốn ODA của Nhật và vốn đối ứng từ TP.HCM nhưng dự án này liên tục gặp trục trặc và bị trễ hẹn tiến độ. Theo báo cáo mới nhất của BQL DA, đến giữa tháng 8/2010, dự án mới thực hiện được 22 trong tổng số 35 gói thầu. Hiện 12 gói thầu đang đầu thầu chọn nhà thầu thi công. Tiến độ giải ngân dự án đến cuối tháng 7 chỉ đạt 60,24% (khoảng 190 triệu USD/314 triệu USD tổng vốn đầu tư).
Các gói thầu quan trọng của dự án như gói số 10, 7, 7A đều gặp trục trặc bởi các nhà thầu Trung Quốc, khiến dự án bị ảnh hưởng đến tiến độ. Gói thầu số 10 cải tạo kênh NL-TN đã ngưng triển khai sau khi BQL DA ngừng hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc China State Construction Engineering Corporation (CSCEC). Hiện gói thầu này được tách ra thành 5 gói nhỏ và đang đấu thầu, chọn đơn vị triển khai tiếp. Trong đó, hạng mục quan trọng là di dời đường ống nước D2000mm khu vực cầu Điện Biên Phủ được CSCEC “chừa lại” nay vẫn đang đàm phán hợp đồng. Đơn vị được chỉ định thầu là Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Nếu mọi thủ tục đàm phán hoàn tất cũng phải đến 11/2010 công tác di dời mới hoàn tất. Sau khi di dời đường ống nước này, nhà thầu mới có thể kích cống băng qua kênh dưới cầu Điện Biên Phủ. Tương tự, gói thầu số 7 xây dựng tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng cửa xả ngầm do nhà thầu Liên danh TMEC-CHEC3 (Trung Quốc) phải đến tháng 9/2011 mới xong. Từ khi được triển khai vào năm 2006 đến nay, gói thầu này liên tục gặp sự cố với 2 con robot (mỗi con trị giá hơn 1 triệu USD) bị mắc kẹt dưới sông khi đang kích cống ngầm vào các năm 2006 và 2008. Đến nay gói thầu 7B (tách từ gói thầu số 7) kích đoạn cống bao còn lại qua sông Sài Gòn được chỉ định cho Công ty thoát nước đô thị. Nếu đúng tiến độ, tháng 7/2011 hạng mục này mới hoàn thành. “Tổng khối lượng dự án triển khai đến lúc này ước đạt khoảng 75%. Sau khi mọi thủ tục gia hạn được ký kết với WB và tiến độ như hiện nay thì cuối năm 2011 chắc chắn dự án sẽ hoàn thành” - đại diện BQL dự án khẳng định. Thi công bê bối, nhà thầu bị ngừng hợp đồng Chưa hết lo ngại về tiến độ các gói thầu do đang tìm nhà thầu để thi công thì mới đây, dự án NL-TN một lần nữa gặp rắc rối khi bị người dân kiện. Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện cho chủ nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, Q.1 đã quyết định khởi kiện chủ đầu tư dự án (Sở GTVT) sau nhiều lần thoả thuận bồi thường với nhà thầu không thành. Theo nguyên đơn, trong quá trình thi công giếng S27 thuộc gói thầu số 7, nhà thầu Trung Quốc thi công khiến căn nhà của bà bị lún, nứt, việc kinh doanh bị ảnh hưởng do “lô cốt” án ngữ quá lâu. Hiện vụ kiện đang được TAND TP thụ lý, giải quyết.
Tình trạng nhà thầu thi công bê bối, tái lập mặt đường ẩu "góp phần" làm dự án chậm tiến độ. Ảnh: Thái Phương |
Dự án NL-TN vốn giữa “kỷ lục” về số nhà thầu bị phạt, đình chỉ thi công đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Mới đây, Sở GTVT tiếp tục yêu cầu BQL dự án xem xét ngưng hợp đồng với nhà thầu VIC (thi công gói thầu 13B2) do thi công quá chậm, giấy phép thi công hết hạn, tái lập mặt đường ẩu… Đồng thời, sở yêu cầu BQL dự án làm việc với đơn vị tư vấn giám sát về chất lượng tái lập mặt đường trong thời gian gần đây. Làm rõ trách nhiệm những cá nhân phụ trách trong quá trình giám sát để chấn chỉnh, thay thế, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng yêu cầu. Tình trạng tái lập mặt đường ẩu, thi công chây ỳ… của các nhà thầu thuộc dự án liên tục tái diễn khiến người dân bất bình. Chỉ trong đợt kiểm tra giữa tháng 8/2010 của Sở GTVT về tình hình thi công của các nhà thầu, hàng loạt vi phạm về “lô cốt”, tái lập mặt đường không có dấu hiệu tiến triển. Các tuyến đường có “lô cốt” án ngữ như Trần Khắc Chân, Trần Nhật Duật, Hai Bà Trưng, Hoàng Sa, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trọng Tuyển, Lê Văn Sỹ… đều bị tình trạng “lô cốt” đi qua, đường nham nhở ổ gà để lại. Nhiều vụ người đi đường sập hố, sập bẫy bị té ngã, thậm chí “hố địa ngục” xuất hiện sau khi nhà thầu tái lập mặt đường gây bất bìnhn đối với người .dân. Trước tình trạng này, ông Phượng phải gởi công văn yêu cầu BQL dự án chấn chỉnh ngay các tồn tại, vi phạm trên. Nếu không hoàn trả mặt đường theo đúng hiện trạng sẽ xử phạt nghiêm theo quy định hoặc cấm thi công trên địa bàn TP.
Theo Thái Phương
VietNamNet
VietNamNet