Dự án nâng cấp bảo vệ tuyến đê biển 2 đoạn từ K0 đến K10+600 có quy mô lớn thuộc chương trình đê biển quốc gia, với 24 gói thầu xây lắp, tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng. Đây là dự án được triển khai với tiến độ nhanh, bảo đảm quy định trong số các dự án nâng cấp đê biển từ trước đến nay. Tuy nhiên, đến giai đoạn nước rút, khó khăn cũng nhiều hơn.
Hệ thống cột điện nằm trong hành lang đê thuộc gói thầu số 1, dự án nâng cấp đê biển 2 Ảnh: Duy Lân |
Còn 3% khối lượng chờ mặt bằng sạch
Theo Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và PTNT, toàn bộ dự án được thực hiện trong 2 năm 2010-2011. Riêng 19 gói thầu xây lắp được tổ chức đấu thầu và triển khai thi công từ tháng 12-2009, với kế hoạch yêu cầu về tiến độ là thi công trong 150 ngày, nghĩa là ngày 15-6-2010 phải xong. Tuy nhiên, đến nay, đã qua thời hạn quy định nhưng dự án chưa thể hoàn thành như tiến độ đề ra. Theo ông Trần Văn Hợi, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp- PTNT, giai đoạn đầu, việc triển khai thi công 19 gói thầu khá thuận lợi. Các gói thầu đều đồng loạt triển khai, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Đến đầu tháng 6, khối lượng toàn dự án đạt 95%, đầu tháng 8, đạt 97% kế hoạch dự kiến. Nhưng từ tháng 8 đến nay, tiến độ dự án gần như giậm chân tại chỗ vì vướng về mặt bằng. Hiện tại, còn một phần mặt bằng ở khu vực cống Họng, phường Bàng La chưa được giải phóng. Tại gói thầu số 1, hệ thống đường điện và 11 cột điện nằm trên cơ đê đoạn K0-K0+300 do điện lực Đồ Sơn quản lý và trên đoạn K4- K4+500 do điện lực Kiến An quản lý chưa được di chuyển. Ban quản lý dự án nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng chuyển các cột điện này ra ngoài hành lang bảo vệ đê để có mặt bằng nhưng chưa có kết quả. Thực chất 11 cột điện này và một số hộ dân thuộc mặt bằng nằm trong hành lang bảo vệ đê, vi phạm Luật Đê điều, không được đền bù giải phóng mặt bằng. Khu vực mặt bằng cống Họng thuộc phường Bàng La (Đồ Sơn) đang phải chờ dự án xây dựng cống mới nên chưa thể bê tông đê như dự định. Do vướng mặt bằng hai khu vực này nên dự án tu bổ, nâng cấp tuyến đê biển 2 chưa thể hoàn thành dứt điểm, kéo dài thêm thời gian bàn giao, nghiệm thu công trình.
Ứng phó với sự cố
Trong khi đang vào giai đoạn nước rút, công trình đê biển 2 xuất hiện một số sự cố khiến chủ đầu tư và các nhà thầu thi công phải tốn khá nhiều thời gian để khắc phục. Đầu tháng 8, mặt đê bê tông của các gói thầu sử dụng bê tông thương phẩm xuất hiện tình trạng rạn chân chim bề mặt, cụ thể là tại các gói thầu số 1, 4,5,6,8,10, 11,12,13, 15 và 16. Tại một số khu vực, xuất hiện ô rạn lớn hơn với chiều sâu vết rạn 2-4 cm; có khoảng 5-6 vết nứt ngang mặt đê, sâu hết chiều dày bê tông. Chủ đầu tư thuê Trung tâm tư vấn kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng) khoan hơn 60 mẫu bê tông để đánh giá chất lượng công trình. Rất may là các đơn vị tư vấn có phiếu trả lời xét nghiệm, khẳng định các mẫu khoan tại tất cả gói thầu đều bảo đảm chiều dày và cường độ bê tông theo thiết kế được duyệt, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Theo ông Trần Văn Hợi, phần lớn gói thầu sử dụng bê tông thương phẩm đều đổ bê tông vào thời điểm giữa tháng 6, nắng nóng kỷ lục, trong khi bê tông thương phẩm yêu cầu chế độ bảo dưỡng khắt khe. Nắng nóng kéo dài khiến công tác bảo dưỡng của nhà thầu chưa bảo đảm. Ông Hợi cho biết, chủ đầu tư và các nhà thầu đã triển khai các biện pháp khắc phục. Đối với các vết nứt lớn ngang mặt đê, nhà thầu khoan cắt, tháo dỡ toàn bộ phần bê tông nứt rồi đổ lại, bảo đảm chất lượng và mỹ thuật công trình. Hiện nay, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xử lý xong 4 vị trí có vết nứt lớn tại các gói thầu số 5, 10, 12, 15. Đối với những khu vực mặt đê bị rạn chân chim, ngay sau khi có sự đánh giá và phương án khắc phục khả thi của đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và các nhà thầu sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Khu vực nào rạn ít, không ảnh hưởng đến mỹ thuật công trình, sẽ sử dụng phụ gia gắn kết lại, bảo đảm tiêu chuẩn quy định về cả chất lượng lẫn mỹ thuật”.
Dự án nâng cấp đê biển 2 tiếp tục triển khai trong năm 2011. Tuy nhiên để toàn bộ dự án đạt tiến độ theo đúng quy định, những vướng mắc về mặt bằng và việc xử lý sự cố rạn mặt đê bê tông cần được chủ đầu tư, các nhà thầu thi công tích cực thực hiện. Bên cạnh đó, rất cần sự giúp sức của nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc giải phóng mặt bằng. Có như vậy, Hải Phòng mới sớm có tuyến đê an toàn, bảo đảm phòng, chống lụt bão.
Vân Khánh