Dự án mở rộng quốc lộ 6 nguy cơ chậm tiến độ

Mặt đường QL6 đoạn qua Hà Đông xuống cấp.
Mặt đường QL6 đoạn qua Hà Đông xuống cấp.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau lễ khởi công rầm rộ vào cuối năm ngoái, hiện dự án mở rộng quốc lộ (QL) 6 đoạn Ba La - Xuân Mai (Hà Nội) khá im ắng. Đây là đoạn đường cửa ngõ Thủ đô, mật độ giao thông cao, đường đang ngày càng xuống cấp, rất cần thực hiện dứt điểm dự án này.

Khối lượng công việc lớn

Mới đây, tại Lễ khởi công Dự án đường giao thông liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La trị giá hơn 4.000 tỷ, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tình trạng một số dự án sau khi khởi công rầm rộ, hoành tráng lại chuyển máy móc, con người đi nơi khác; điều này cần phải tránh.

Tại Lễ khởi công dự án mở rộng QL6, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với QL21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Khi dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Ngoài ra, tuyến đường còn có chức năng tăng cường liên kết, giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và nước bạn Lào.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng tuyến đường chỉ kéo dài 20km, cần tìm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, không thể chậm trễ. Để sớm đưa dự án về đích, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định; tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Được biết, khối lượng công việc của dự án này là rất lớn. Cụ thể, giải phóng mặt bằng khoảng 115ha (quận Hà Đông 30ha; huyện Chương Mỹ 85ha); tái định cư hơn 990 hộ (quận Hà Đông 330 hộ, huyện Chương Mỹ 660 hộ); di chuyển nhiều đường dây điện lực, thông tin, hệ thống ống cấp, thoát nước và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật.

Cần tăng tốc dự án

Theo quan sát, hiện đoạn đường Ba La - Xuân Mai đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường nhiều đoạn lồi lõm. Là đường cửa ngõ Thủ đô kết nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, nhưng mặt đường khá nhỏ, trong khi lưu lượng xe cộ đông đúc nên đoạn đường này thường xuyên xảy ra ách tắc, là nỗi ám ảnh của nhiều tài xế mỗi khi đi qua đây, nhất là giờ cao điểm. Đây cũng là đoạn đường cửa ngõ Thủ đô duy nhất kết nối với các tỉnh và vùng miền khác không phải đường cao tốc.

Đặc biệt, theo quan sát, khu vực vỉa hè đoạn qua quận Hà Đông, nhiều nơi không được lát đá, bê tông mà toàn bụi đất. Không chỉ tài xế khổ sở mỗi khi đi qua đoạn này mà người dân sinh sống hai bên đường cũng rất bất tiện, vừa phải chịu bụi bẩn, vừa không thể kinh doanh. “Chúng tôi mong sao dự án sớm được triển khai để gia đình có kế hoạch kinh doanh, buôn bán, ổn định đời sống” - một người dân ở ven đường đoạn qua địa phận Hà Đông bày tỏ.

Quan sát tại một khu tái định cư của dự án ngay gần QL6 thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, chỉ có một chiếc máy xúc và vài công nhân đang làm việc. Người dân ven đường QL6 đoạn này cho biết, họ chưa nhận được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. “Mới chỉ thấy có vài người đến đo đạc rồi đi về, người dân chưa biết bảng giá thu hồi đất, cũng chưa biết khi nào đường mới làm…” - một người dân phản ánh và cho biết, họ mong ngóng dự án này từ lâu, chỉ mong sao dự án sớm hoàn thành để họ ổn định lại cuộc sống.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tiến độ dự án phụ thuộc lớn vào tiến độ giải phóng mặt bằng do quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ thực hiện. Theo ông Cường, hiện dự án mới triển khai một ít ở đoạn gần Khu công nghiệp Phú Nghĩa, còn đoạn khu vực Hà Đông nhiều khả năng “còn lâu mới được thực hiện”.

Được biết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thời gian tới còn rất nhiều dự án trọng điểm khác phải làm như dự án Vành đai 4 Thủ đô, dự án cầu Cát Thượng và hàng chục dự án giao thông quan trọng khác. Bởi vậy, nếu các đơn vị liên quan không sớm triển khai dự án mở rộng QL6 thì nguy cơ dự án chậm tiến độ là hiện hữu.

Đọc thêm

2 người tử vong trên quốc lộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Cam Lộ.
(PLVN) - Trong 2 ngày (10 và 11/12), trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.