* Bộ Tư pháp có 3 dự án luật cho ý kiến
Dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hôm qua (22/8), đã diễn ra Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Xem xét nhiều dự án luật
Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nhấn mạnh: kỳ họp thứ Nhất đã hoàn thành tốt nội dung chương trình đề ra. Bên cạnh đó, UBTVQH cho rằng còn một số hạn chế như việc cung cấp một số tài liệu còn chậm, phục vụ thông tin tham khảo còn bất cập, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của đại biểu Quốc hội. Việc chuẩn bị về nhân sự giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu…Một trong những nội dung cần tập trung trong thời gian tới, theo Văn phòng Quốc hội là thực hiện tốt việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.
Cũng trong sáng hôm qua, Văn phòng Quốc hội cũng đã có Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIII. Theo Tờ trình, dự kiến kỳ họp thứ hai sẽ diễn ra trong 31 ngày, từ 20/10 đến 26/11/2011. Trong đó, chủ yếu thời gian của Kỳ họp sẽ dành cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến vào 13 dự án luật.
Các luật dự kiến được thông qua là Luật Biển Việt Nam; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ; Luật Đo lường. Tại kỳ họp, Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Trong số 13 dự án luật dự kiến được cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai có 3 dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Đó là các dự án: Luật giám định tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật phổ biến giáo dục pháp luật.
Cũng theo Chương trình dự kiến, Quốc hội dành 9,5 ngày để xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được dành 5 buổi. Các nội dung khác (khai mạc, bế mạc, đọc tờ trình, báo cáo, thông qua nghị quyết…) được dành 9 buổi.
Đảm bảo chất lượng các dự án luật
Cơ bản đồng tình với Tờ trình của UBTVQH nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì cần xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là việc việc chuẩn bị khẩn trương các dự án luật, tránh tình trạng phải “chạy đua”, gây khó khăn trong công tác thẩm tra.
Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý, thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ hai không còn nhiều, do đó, phải đẩy nhanh tiến độ dự án luật. Cũng theo ông Lý, Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII nên dành ít nhất 1 ngày (theo dự kiến chương trình chỉ dành 0,5 ngày).
Đề xuất Quốc hội nên ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc biệt với việc triển khai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong kỳ họp tới đây, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường khẳng định: còn hơn 2 tháng nữa tới Kỳ họp thứ hai, nếu UBTVQH cho chủ trương, Ủy ban sẽ phối hợp để chuẩn bị.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Những hạn chế của Kỳ họp thứ Nhất phải được khắc phục kịp thời trong kỳ họp thứ hai. Chủ tịch lưu ý, Kỳ họp thứ Hai khá “nặng”, đòi hỏi việc chuẩn bị phải khẩn trương. Đáng lưu ý các dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp cuối, Quốc hội khóa XII nhưng thông qua tại kỳ họp XIII, trong khi các đại biểu Quốc hội đa số là mới, “Phải giải trình cho rõ và thật kỹ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, để đại biểu mới hiểu vấn đề gì đại biểu khóa cũ đã nhất trí hay chưa”.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng kiên quyết: những Dự án chưa đủ điều kiện thì chưa được đưa ra để thông qua. Đã thông qua thì phải được chuẩn bị thật chu đáo.
Thu Hằng