Trong lúc giá ngoại tệ đang leo thang từng ngày, hàng chục khách hàng dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco (Mỗ Lao – Hà Đông) ngã ngửa khi nhận được thông báo quy đổi giá nhà trong hợp đồng mua bán từ tiền VND sang USD, và lấy đó làm chuẩn tính giá thành sản phẩm.
“Con đường” từ VND sang USD
Năm 2009, hàng chục khách hàng và chủ đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco đã cùng nhau thống nhất thỏa thuận cho chủ đầu tư vay vốn triển khai dự án, bù lại được quyền mua một căn hộ trong dự án.
Theo đó, hai bên xác định số tiền vay là 30% giá trị căn hộ. Thế nên, ví dụ như căn hộ trị giá khoảng 2,152 tỷ VND, khách hàng cho chủ đầu tư vay khoảng hơn 700 triệu VND, tương đương với 30% trị giá căn hộ.
Đơn giá cố định được 2 bên thỏa thuận là 15,5 triệu đồng/m2. Vì thế, để “theo” dự án, khách hàng đã cùng chủ đầu tư bước từng bước, từ Đơn xin tham gia chương trình hỗ trợ vốn, đến Hợp đồng vay vốn, rồi Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư. Tuy nhiên, đầu tháng 10 năm nay, trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư đã quy đổi đơn giá cố định mỗi m2 ra USD. Với tỷ giá thời điểm quy đổi là 19.500 VND/ USD, giá bán 15,5 triệu VND ở dự án chung cư Hattoco sẽ được quy đổi thành 797 USD. Theo đó, giá bán căn hộ tại thời điểm ký hợp mua bán là 2,152 tỷ VND sẽ tương đương với 110.000 USD.
Trong hợp đồng mua bán ghi rõ, đồng tiền được sử dụng trong hợp đồng là VND, nhưng lại mở ngoặc, tiền đồng Việt Nam được bảo đảm bằng USD. Chủ đầu tư quy định, tiến độ thanh toán sẽ chia làm 5 lần, giá mua bán căn hộ tại thời điểm thanh toán hết tiền mua và bàn giao căn hộ có thể tăng hoặc giảm phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá USD. Tỷ giá tham chiếu sẽ là tỷ giá bán đồng USD bằng hình thức tiền mặt của ngân hàng Vietcombank niêm yết tại ngày thanh toán.
Chủ đầu tư bảo toàn vốn, còn khách hàng thì sao?
Theo các khách hàng của Hattoco, trong hợp đồng vay vốn, chủ đầu tư không hề đưa ra giá bán căn hộ bằng USD. 30% giá trị căn hộ được quy bằng VND và hai bên giao dịch trao đổi bằng VND. Chính vì thế, khi chuyển sang hợp đồng mua bán, giá bán cũng phải giữ nguyên theo tiền VND. Chưa kể các chi phí khách khách hàng phải chịu như thuế, phí, lệ phí khi mua bán căn hộ và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với căn hộ, kinh phí bảo trì, mua và duy trì thường xuyên các loại bảo hiểm căn hộ…, việc chủ đầu tư lấy USD làm chuẩn thanh toán trong thời điểm giá USD đang tăng phi mã như hiện nay là bắt bí khách hàng.
Theo đó, khách hàng sẽ không thể dừng khoản đầu tư ở mức VND như thỏa thuận ban đầu, mà phải luôn điều chỉnh theo mức tăng của tỷ giá USD mỗi đợt thanh toán. Chưa kể chủ đầu tư càng làm chậm tiến độ công trình thì số tiền trượt tỷ giá mà khách hàng có thể phải chịu càng lớn hơn.
Về phía mình, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng Ba Đình cho rằng, công ty không thanh toán bằng tiền USD mà vẫn quy đổi ra VND. Việc sử dụng tỷ lệ USD để quy đổi chỉ là cách để bảo toàn vốn cho DN, đồng thời tránh tình hình biến động của nguyên vật liệu. Hợp đồng góp vốn không liên quan đến hợp đồng mua bán.
Theo ông Lương Văn Phú - Giám đốc kiêm Trưởng ban dự án, hiện tại mỗi căn hộ của dự án Hattotco được chào bán với giá 24-25 triệu VND/m2, nhưng chủ đầu tư đã giữ nguyên giá 15 – 16 triệu VND/m2 đối với những khách hàng đã đồng hành với DN từ những ngày đầu dự án. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu biến động nhiều, công ty buộc phải quy đổi giá ra USD để bảo toàn vốn.
Như vậy, để giữ sự an toàn cho DN, phía chủ đầu tư dự án Hattoco đang chọn cách đẩy rủi ro cho khách hàng. Đã chung tay với DN từ những ngày đầu thực hiện dự án, khách hàng có thể sẽ không ngần ngại chia sẻ rủi ro về giá đối với DN, những cách “ép” khách hàng nhận phần rủi ro như chủ đầu tư dự án Hattoco đang làm rõ ràng không phải cách làm vì chữ Tín.
Bách Nguyễn