Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TX Hoài Nhơn Phạm Văn Chung, dự án giao thông trên thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT; đoạn tuyến tránh qua các khu vực Hoài Châu Bắc, Tam Quan Bắc, Tam Quan nằm trên vùng ruộng chuyên sản xuất lúa của người dân nhưng không thiết kế giao mốc, thực hiện bồi thường GPMB phạm vi ảnh hưởng phía thượng, hạ lưu các cầu.
Vào các đợt mưa lũ từ 2016 đến nay, một phần diện tích đất chuyên trồng lúa, hoa màu tại thượng hạ lưu các cầu Gia Hựu, Quy Thuận, Gia An và các cống (Hoài Châu Bắc), cầu Thạnh Mỹ, thuộc thị trấn Tam Quan (nay là phường Tam Quan) bị sa bồi, thủy phá nghiêm trọng, không thể khắc phục để tiếp tục sản xuất.
Một số diện tích tuy đã khắc phục đưa vào sản xuất nhưng nằm trong dòng chảy cầu cống, về lâu dài sẽ tiếp tục bị sa bồi thủy phá, rất khó khăn trong sản xuất ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
"Qua kiểm tra hiện trường, có 35 thửa đất với tổng diện tích 14.881,10m2 loại đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác bị ảnh hưởng do sa bồi thủy phá. Chúng tôi đã thống kê và kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm, để giải quyết cho người dân", ông Chung mong muốn sự việc được giải quyết sớm, để ổn định cuộc sống người dân.
Trước đó, ngày 4/2/2020, UBND tỉnh Bình Định từng có Văn bản 579/UBND-KT đề nghị Bộ GTVT xem xét xử lý vấn đề trên. Ngày 26/3/2020, Bộ GTVT có Văn bản 2832/BGTVT-CQLXD giao Tổng cục Đường bộ chủ trì, phối hợp BQL Dự án đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư BOT, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường để báo cáo đề xuất.
Ngày 8/7/2020, Cty CP BOT Bắc Bình Định đã tổ chức mời các đơn vị kiểm tra thực tế hiện trường; thống nhất với kiến nghị, diện tích đất bị sa bồi thủy phá không canh tác được phải thu hồi là 14.881,10 m2 (loại đất trồng lúa và trồng cây hàng năm). Áp dụng các quy định hiện hành, giá trị bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân là hơn 5,6 tỷ. Tuy nhiên đến nay các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền.