Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (Hà Nội): Cần làm rõ nhiều nội dung trước khi điều chỉnh

Trưng bày bản vẽ phối cảnh tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 vào năm 2018.
Trưng bày bản vẽ phối cảnh tổng thể mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 vào năm 2018.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo về kết quả thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tăng tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng

Trước đó, ngày 19/10/2020, UBND TP. Hà Nội có Tờ trình 176/Ttr-UBND trình Thủ tướng quyết định (QĐ) chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (Dự án).

Theo đó, Hà Nội đề nghị cho tăng tổng vốn đầu tư Dự án từ 19.555 tỷ đồng thành 35.679 tỷ đồng tương đương 195.365 triệu JPY, trong đó vốn vay ODA là 164.762 triệu JPY, vốn đối ứng là 5.549 tỷ đồng. Về cơ chế tài chính trong nước, UBND TP. Hà Nội vay lại 100% đối với phần vốn vay ODA tăng thêm (57.315 triệu JPY). Đối với vốn ODA đã được phê duyệt với trị giá 107.447 triệu JPY, ngân sách trung ương cấp phát 87.482 triệu JPY, UBND TP. Hà Nội đề nghị vay lại 19.965 triệu JPY. Còn vốn đối ứng Hà Nội đề xuất tự sắp xếp toàn bộ.

Về thời gian thực hiện, Tờ trình của UBND TP. Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh Dự án từ năm 2009- 2032 (trước đó là 2009-2015), thời gian hoàn thành xây dựng năm 2027, cộng thêm thời gian đào tạo vận hành, bảo dưỡng 5 năm.

Theo tìm hiểu, trong tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án là 49,06ha, đến nay, công tác GPMB của Dự án đạt 79% diện tích toàn tuyến, trong đó khu depot Xuân Đỉnh đạt 86,45% diện tích, đoạn trên cao và các ga đạt 70% diện tích, đoạn chuyển tiếp đạt 100%, đang triển khai GPMB đoạn ngầm và các ga ngầm và đã thực hiện 80% khối lượng rà phá bom mìn, vật nổ toàn tuyến.

Đến nay tổng số vốn đã giải ngân theo báo cáo là hơn 922 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là hơn 620 tỷ đồng, vốn đối ứng là hơn 302 tỷ đồng. Dự án cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và phương án thiết kế kiến trúc công trình cho depot, đoạn trên cao và 3 ga trên cao, đoạn ngầm và 6 ga ngầm. Hiện đang thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9.

Cần đánh giá Dự án với các chỉ tiêu an toàn nợ công

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, trong báo cáo kết quả thẩm định, Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 34 Luật Đầu tư công, cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trình tự thủ tục đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thực hiện như đối với dự án nhóm A.

Cũng theo báo cáo của cơ quan thẩm định, theo các quy định hiện hành, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục, UBND TP. Hà Nội phê duyệt Dự án, nay điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh Dự án. Và việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư công.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, tổng vốn đầu tư (35.679 tỷ đồng) do UBND TP. Hà Nội đề xuất tại tờ trình ngày 19/10/2020 được hiểu là sơ bộ tổng mức đầu tư dự án. Nghị định 56/2020/NĐ-CP có ban hành theo một số phụ lục về mẫu, biểu, trong đó có hướng dẫn cách ghi vốn đầu tư theo tiền đồng Việt Nam và quy đổi ra nguyên tệ và Đô la Mỹ. Vì thế, cơ quan thẩm định lưu ý, khi có cơ sở xác định rõ sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án và cơ cấu nguồn vốn, đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu đăng ký vốn đầu tư theo hướng dẫn trên.

Về cơ chế tài chính trong nước và tác động đến nợ công, Báo cáo thẩm định, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Tài chính xác định rõ cơ chế tài chính trong nước, có đánh giá tác động của khoản vay ODA thực hiện Dự án đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Đáng chú ý, về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ 2009-2032, cơ quan thẩm định cho rằng, Dự án được phê duyệt từ 2008, nếu được điều chỉnh và thực hiện đúng tiến độ để đưa vào sử dụng vào năm 2027, thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án quá dài (gần 20 năm).

Việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian quá dài như vậy có ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô nói chung và hiệu quả đầu tư Dự án nói riêng. Vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND TP. Hà Nội cần rà soát nguyên nhân dẫn đến việc triển khai Dự án chậm tiến độ, tránh việc tiếp tục chậm tiến độ, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án.

Sớm chọn phương án xây dựng nhà ga C9

Liên quan đến vị trí xây dựng nhà ga C9, ngày 17/3/2021, văn phòng UBND TP. Hà Nội có thông báo về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga C9. Theo đó, hiện nay vẫn đang có 3 phương án về nhà ga C9. Về vấn đến này, cơ quan thẩm định lưu ý, việc thay đổi phương án đầu tư nhà ga C9 không chỉ phù hợp cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, bảo vệ di tích lịch sử mà còn cần có sự đồng thuận của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhân dân thủ đô. Việc thay đổi phương án đầu tư nhà ga C9 có ảnh hưởng trực tiếp đến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án. Do vậy, phương án đầu tư xây dựng nhà ga này cần được UBND TP. Hà Nội xác định khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, tránh điều chỉnh nhiều lần.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.