Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu HĐND TP. Hà Nội mới đây, nhiều cử tri đã lên tiếng về tình trạng đất đai nông nghiệp bị thu hồi gây hoang hóa, lãng phí trong khi người nông dân thực thụ lại không có tư liệu sản xuất. Chuyện đất đai ở Thủ đô không là chuyện riêng mà là vấn đề chung, nóng bỏng của người nông dân cả nước khi mất tư liệu sản xuất.
Một khu công nghiệp bỏ trống. Ảnh minh họa |
Hà Nội dừng triển khai thực hiện 192/398 đồ án quy hoạch
Tại huyện Phú Xuyên, cử tri kiến nghị tình trạng chậm triển khai dự án cụm công nghiệp Châu Can gây lãng phí đất nông nghiệp, bên cạnh những kiến nghị về nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở và giải quyết chế độ đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.
Cử tri huyện Thanh Oai, Thường Tín và Chương Mỹ cũng nêu lên những bất cập trong công tác quản lý và sử dụng đất đai tại cơ sở, thủ tục rườm rà trong cấp đất giãn dân, chậm cấp sổ đỏ... Tại huyện Đan Phượng, cử tri kiến nghị TP. đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là với trục đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, tránh để đất hoang hóa.
Qua thanh tra một số dự án, nhất là các dự án ở tỉnh Hà Tây (cũ) và Hòa Bình (phần sáp nhập vào Hà Nội), do chưa phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND TP đã phải cho dừng triển khai thực hiện 192/398 đồ án quy hoạch (bằng 48%) với tổng diện tích gần 19.608 ha để rà soát, xử lý cho phù hợp với quy hoạch chung. Cơ quan thanh tra còn đề nghị thu hồi trên 9.800 tỷ đồng sai phạm trong việc tính tiền sử dụng đất chưa đúng với quy định của Bộ Tài chính.
Thu hồi đất trả lại cho người dân
An Giang, Long An, Tây Ninh và Bình Phước được xem là những địa phương khởi xướng cho việc hủy bỏ các dự án đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf… không hiệu quả, giao lại đất cho người dân sản xuất. Trả lại tư liệu sản xuất, nguồn sống cho nông dân cũng là tránh được việc khiếu kiện kéo dài.
Tỉnh Long An đã thu hồi tổng cộng hơn 3.000 ha, riêng từ đầu năm đến nay đã thu hồi 1.450 ha đất của 21 dự án “treo”. Ngoài ra, tỉnh Long An đề nghị giảm diện tích từ 557 ha xuống còn 100 ha đối với dự án đầu tư cụm công nghiệp Long Cang giai đoạn mở rộng.
Tỉnh tiếp tục thu hồi 7 dự án đầu tư cụm công nghiệp nhưng “treo” quá lâu, gồm cụm công nghiệp Nhật Quang (30 ha, ở huyện Cần Đước), Thành Tài (70 ha, huyện Cần Đước), Nam Hoa (280 ha, huyện Cần Giuộc), Gemadept (80 ha, TP Tân An), Hoàng Long I (266 ha, huyện Bến Lức), Hoàng Long II (38 ha, huyện Bến Lức) và cụm công nghiệp Bình Tây (36 ha, huyện Cần Đước).
Tỉnh Tây Ninh có 10 khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích gần 1.150 ha quy hoạch “treo” quá lâu cũng vừa được thu hồi. Ngay sau khi thu hồi, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo rộng rãi cho người dân được biết để họ an tâm sản xuất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát tình hình sử dụng đất đai tại các dự án có sử dụng đất và gửi báo cáo về bộ này trước ngày 15/12/1012 để “báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, giám sát”... Trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án đầu tư thì thu hồi đất, trước hết lựa chọn thu hồi đất đối với những trường hợp chậm sử dụng đất gây bức xúc trong nhân dân, đất đã được giao, cho thuê không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất nhưng có lợi thế thương mại để giao cho tổ chức phát triển quỹ đất chủ trì quản lý, đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi đấu giá quyền sử dụng đất đã thu hồi xong sẽ hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.... |
Trường Lưu